TINH HOA XANH

Cây Lan gấm

Từ năm 1990 trở lại đây, các thương gia Đài Loan hoặc khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt thường tìm mua cây Lan gấm tươi hoặc khô về làm thuốc. Chúng tôi xin giới thiệu tác dụng cây Lan gấm theo tài liệu của Đài Loan để bạn đọc tham khảo.

Cây Lan gấm còn gọi là Lan kim tuyến, Kim tuyến liên, Mộc sơn thạch tùng, lá Gấm. Tên khoa học: Anoectochilus roxburglihayata. họ Lan (ORCHIDDACEAE).
Cây Lan gấm mọc nhiều ở Đài Loan có tên là Kim tuyến liên, tiếng Anh là Taiwan anoectochilus. Trong quyển Cây cỏ Việt Nam, GS Phạm Hoàng Hộ gọi là Giải thuỳ (Anoectochilus roxburghii) có mọc tại các rừng dày Đà Lạt, Đồng Che, Quảng Trị (6 loài Anoectochilus).
Gần đây theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 18.9.2007 huyện miền núi Dakrông (Quảng Trị) mới “phát hiện loài Kim tuyến quý hiếm”.
Theo bảng tra cứu Thực vật rừng Việt Nam (cập nhật ngày 20.8.2007) thì tại Việt Nam có Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus), Lan kim tuyến Sa Pa (Anoectochilus chapaensis).
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Tiến sĩ Võ Văn Chi thì cây Lan gấm còn gọi là Thạch tầm có tên khoa học là Ludisia dicolor (Ker GaWL.) thuộc họ Lan  (Orchi daceae).
Cây Lan gấm thân tròn bò sát đất, nhiều đốt, có nhiều chồi nách, cao khoảng 20cm Lá trơn hình trứng hay hình xoan, mặt trên của lá màu xanh đen, mặt dưới màu tím đỏ. Gân lá nhỏ màu vàng kim rất đẹp phân bổ như mạng nhện từ 5 chủ mạch gân chính nên gọi là Kim tuyến liên. Mùa Đông Xuân cây nở hoa màu trắng, nhuỵ hoa có lông.


Tại Lâm Đồng, cây Lan gấm mọc rải rác trong rừng già, nơi ẩm ướt, gần khe suối vách đá ở độ cao từ 1.000m – 1.500m có tại các vùng: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh, có nơi người ta trồng làm cảnh.
Ở Việt Nam, chưa có tài liệu nghiên cứu về cây Lan gấm và chưa được dùng làm thuốc. Theo tài liệu của Đài Loan, cây Lan gấm là một loại cây thuốc nổi tiếng vô cùng quý giá có bán tại các tiệm thuốc Bắc hoặc dùng trong nhân dân. Cây Lan gấm có tác dụng: tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông. Cây thuốc có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm phế quản, viêm gan mạn tính. Ngoài ra còn dùng chữa thần kinh suy nhược, chữa ho khan, đau họng, cao huyết áp, suy thận, chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt...
Người ta dùng cả cây tươi hoặc khô để sắc uống. Liều dùng khoảng 20g tươi hoặc 5g khô trong ngày. Dùng ngoài dưới dạng cả cây tươi giã nát, đắp chỗ vết thương sưng đau.
Tài liệu: “ Khảo cứu về cây thuốc Kim tuyến liên” của Đài Loan có viết về giá trị y học cây này như sau:
Ông Tả Tả Mộc Thuấn, học giả người Nhật nghiên cứu về Trung y công bố (1924): Kim tuyến liên là một trong những cây thuốc quý trong dân gian, toàn thân cây thuốc được dùng để tăng cường sức khỏe, chủ trị bệnh phổi, di tinh, xuất tinh sớm, yếu gan, yếu tỳ và chữa các vết thương do rắn cắn. Còn có tác dụng bổ máu, giải nhiệt.
Ông Sơn Điền Kim Trị công bố (1932): người dân tộc miền núi thường dùng Kim tuyến liên sắc uống để trị đau ruột, đau bụng, sốt cao, đắp bên ngoài để trị các chỗ sưng vết thương hoặc bị rắn cắn.
Sách Thanh thảo gia đình tự liệu pháp của ông Trần Đào Thích có viết: trẻ em hay khóc dùng Kim tuyến liên sắc uống sẽ khỏi.
Sách Khoa học quốc dược quyển 1 kỳ 2 (1958) của ông Tạ A Mộc và Trần Kiến Đào đăng tải trong tạp chí Đài Loan dân gian dược dụng thực vật có nói đến Kim tuyến liên như là một trong những dược thảo quý giá, giúp bổ máu, dưỡng âm, chữa trị nóng phổi và nóng gan.
Trong báo cáo điều tra (1964) của mình, ông Cam Vĩ  Tùng đã phát biểu: Kim tuyến liên là một vị thuốc hết sức quý giá trong các tiệm thuốc Bắc Đài Loan. Nó là cây thuốc mang tính mát và có vị ngọt, thanh nhiệt, thanh huyết, bổ phổi, giải trừ u uất, thông trung khí, bồi dưỡng sức khỏe, chủ trị lục phủ ngũ tạng đẩy lùi tâm hỏa, nóng gan, bệnh phổi, thổ huyết, ho hen, đau ngực, đau lá lách, đau cuống họng, cao huyết áp, trẻ con chậm lớn, suy thận.
Theo Trung y sư Lâm Minh Quyền, dược tính của Kim tuyến liên giống như cây Nhất điểm hoàng: hạ sốt, giải nhiệt, trừ u uất, phiền muộn, trị ho khan, đau ngực, đau họng, sắc uống với nước đường.
Trung y sư Trịnh Mộc Vinh có nói: trong đơn thuốc trị đau lá lách của mình, ông dùng Kim tuyến liên, Chi tử, rễ Đạm trúc diệp, mỗi loại 20 phân sắc uống sẽ khỏi.
Đơn thuốc của ông Khưu Tải Phúc có dùng Kim tuyến liên 20 phân, sắc uống bằng nước đường làm mát máu nhuận phổi, trị bệnh phổi.
Đơn thuốc của ông Diệp Hải Ba có dùng Kim tuyến liên 20 phân sắc uống bằng nước đường làm mát máu trị bệnh cao huyết áp.
Đơn thuốc của 3 ông Vương Chánh Hùng, Hà Thiên Tống, Trần Bỉnh Diêu dùng Kim tuyến liên 20 phân hầm với thịt nạc trị thổ huyết, bệnh phổi.
Trung y sư Thái Cát Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hội nghiên cứu cây thuốc thực vật thành phố Gia Nghĩa tuyên bố: Kim tuyến liên tiêu đờm, giải độc, chỉ huyết, hạ huyết áp, trợ tim, lợi tiểu, trị bệnh đái đường, chữa viêm gan, trị mụn dùng cây tươi sắc uống.                                                                                            
Nguyễn Thọ Biên (CTQ số 93)


 

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""