TINH HOA XANH

Cây Ngũ vị bắc ở Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam có nhiều cây thuốc, vị thuốc rất quý, ngoài cây Nhân sâm Ngọc linh (Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et GrusKv (1985)) còn có trên hàng chục loài dược liệu khác do thiên nhiên ban tặng rất có giá trị. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc cây thuốc Ngũ vị. Sở dĩ có tên Ngũ vị vì quả của nó có 5 vị: chua, cay, đắng, mặn, ngọt. Cây này được tìm thấy ở độ cao khoảng 1300m trở lên so với mặt biển, nằm về phía Đông, chạy dọc theo triền núi Ngọc Linh thuộc các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Giang của huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam, người dân tộc vùng này thường gọi cây này là cây Nuối, quả Nuối.
Về đặc điểm hình thái thực vật, chúng tôi trực tiếp quan sát và theo GS.TS Đỗ Tất Lợi mô tả trong Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam thì đây là cây thuốc Bắc Ngũ vị tử - Schisandra chinensis Baill, mọc hoang tại núi Ngọc Linh. Theo nghiên cứu mới đây của Viện Dược liệu Bộ Y tế và Trung tâm Sâm, Dược liệu TP Hồ Chí Minh (do nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Bá Hoạt, TS Trần Công Luận, Bùi Thị Bằng, Nguyễn Thị Nụ và cộng sự đăng trên tài liệu Nghiên cứu phát triển Dược liệu và Đông dược ở Việt Nam – Nhà xuất bản KHKT - 2006 và Tạp chí Dược liệu (tập 12 (4+4) – 2007) về thành phần hoá học Ngũ vị tử Ngọc Linh có các hợp chất như: anthraglycosit, carotenosit, phitosterol, flavonoit, polyphenol, tinh dầu, các vitamin C, E. Nghiên cứu sâu hơn bằng phương pháp sắc ký cột, phân tích phổ cộng hưởng từ hạt nhân C-NMR, H- NMR, đã phân lập được các hợp chất thuộc nhóm Lignans có cấu trúc được xác định là gomisin A, B, C, N, schisandrin, ?-sitosterol, tương tự như thành phần hoá học của loài Schisandra chinensis Baill của Trung Quốc.
Về tác dụng chữa bệnh: Theo tài liệu Đông y Trung Quốc - Triều Tiên và Việt Nam, trong dược thảo toàn thư Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GSTS Đỗ Tất Lợi, Ngũ vị tử là vị thuốc bổ, phục hồi sức khoẻ tăng cường sinh lý, làm tăng hương vị cho cuộc sống  có tác dụng tốt cho người trong thời kỳ mệt mỏi, làm dịu thận, ích khí, sinh tân, tăng cường khả năng tình dục, cải thiện các bệnh về thần kinh và an thần, có tác dụng bổ phổi, chữa ho lâu ngày, hen suyễn. Đặc biệt chữa các bệnh về gan, viêm gan và chức năng gan bị suy yếu. Nhân dân vùng này, thường sử dụng quả chín khi đi làm nương rẫy để chống mỏi mệt, làm ấm cơ thể, ấm phổi khi bị rét lạnh.


Về giá trị kinh tế: Theo số liệu điều tra của Viện Dược liệu và ngành Y tế Quảng Nam và Kon Tum cho biết, Ngũ vị tử ở núi Ngọc linh hàng năm có thể thu hoạch khoảng 50 - 60 tấn quả tươi, tương đương với khoảng 5 - 6 tấn khô. Vị thuốc này từ xa xưa đến nay nước ta vẫn phải nhập từ Trung Quốc về, mỗi năm sử dụng khoảng 40 - 50 tấn khô, với giá bán hiện nay là 75.000đ - 100.000đ/1kg tuỳ theo loại. Vì vậy, việc phát hiện Ngũ vị tử tại núi Ngọc Linh có thêm loài cây thuốc quý, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cho nước ta nói chung và hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum nói riêng, có thể thay thế Ngũ vị tử nhập từ Trung Quốc, mở ra hướng mới cho đồng bào dân tộc ở vùng này, chuyển đổi cây trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn, có thêm nguồn thu nhập từ nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ, để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Điều cần phải làm hiện nay là chính quyền địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức cho người dân biết, để bảo vệ chăm sóc các vùng đã có Ngũ vị tử mọc tự nhiên, đồng thời có kế hoặch nhân giống (từ hạt, từ thân già) để phát triển, nhân rộng cây thuốc quý hiếm này. ở mỗi gia đình, thôn bản, trên các nương rẫy, hoặc trong vườn nhà của mình đều có trồng Ngũ vị tử, có kế hoạch thu hái và có tái sinh, làm như vậy, vị thuốc này mới bảo tồn và phát triển bền vững đảm bảo được nguồn nguyên liệu làm thuốc, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, góp phần thực hiện quyết định số 61/2007/QĐ-TTg ngày 07/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ “Về Chương trình phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020”.

Đặng Ngọc Phái (CTQ số 97)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""