TINH HOA XANH

Cây Râu mèo - thông tiểu, trừ sỏi thận (phần 1)

Không chỉ đẹp, cây Râu mèo còn được biết đến với tác dụng đặc biệt vào đường tiểu...

Có một loại cây hình dạng rất giống với bộ Râu dễ thương của mèo, đó là cây Râu mèo. Không chỉ đẹp, cây Râu mèo còn được biết đến với tác dụng đặc biệt vào đường tiểu...

Cây Râu mèo còn gọi là cây Bông bạc. Tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth., họ Bạc hà (LAMIACEAE).

Trên thế giới Râu mèo là cây nhiệt đới tương đối điển hình, mọc tự nhiên phổ biến ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, các nước ở Đông Dương và cả ở châu Phi.

Cây Râu mèo là vị thuốc  có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, tăng bài tiết, hạ đường huyết… Ở Việt Nam, Râu mèo phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và miền núi như: Cao Bằng, Thanh Hóa (Vĩnh Lộc), Hà Nội (Ba Vì), Lâm Đồng, Phú Yên (Tuy Hòa), Ninh Thuận (Phan Rang), Kiên Giang (Phú Quốc)… Tuy trồng nhiều nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Theo Viện Dược liệu, hằng năm nước ta nước phải nhập khẩu hàng chục tấn dược liệu cây Râu mèo từ Trung Quốc, Campuchia.

Theo Đông y, cây Râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp, dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật, dùngtrị viêm thận cấp tính và mạn tính; viêm bàng quang; sỏi tiết niệu…

Một số tác dụng đáng lưu ý của cây Râu mèo

Tăng và bài tiết nước tiểu: theo các tác giả Chow S.Y.Liao J.F (Đài Loan), dịch chiết từ Râu mèo trên chó thí nghiệm bằng đường tiêm truyền tính mạch với liều 18,8mg/kg/phút có tác dụng tăng cường bài tiết nước tiểu và các chất điện giải Na+ K+ Cl.

Lợi tiểu: các tác giả G.A. Schut và J.H.Zwaving (Hà Lan) đã xác định tác dụng lợi tiểu của 2 flavon sinensetin và 3-hydroxy - 3,6,7,4 tetramethoxyflavon bằng đường tiêm tính mạch với liều lượng 10g/kg, lượng nước tiểu thu được sau 140 phút là 410mg, còn Sinensetin dùng cùng liều trên, lượng nước tiểu thu được sau 160 phút là 614mg, trong khi đó ở lô chuột đối chứng, sau 120 phút, không thu được một lượng nước tiểu nào. Hai flavon trên cùng một liều 1mg/kg có so sánh với tác dụng của hydrochlorothiazid thấy tác dụng lợi tiểu yếu hơn và xuất hiện chậm.

Bệnh thận và sỏi thận: theo các tác giả Ấn Độ, Râu mèo rất có ích cho điều trị bệnh thận và phù thũng. Trên bệnh nhân, Râu mèo có tác dụng làm kềm hóa máu, sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối kali trong dược liệu có tác dụng giữa cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó phòng ngừa được sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận. Ở Thái Lan, thí nghiệm trên những người tình nguyện khỏe mạnh, dịch Râu mèo có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat; oxalat với hàm lượng cao có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Hạ huyết áp, giảm tần số hô hấp: trên động vật thí nghiệm, chất methylripariochromene A (MRC), ly trích từ lá Râu mèo cho thấy có tác dụng hạ huyết áp (đặc biệt là huyết áp tâm thu) do tác dụng giãn mạch, giảm hậu tải của tim và lợi tiểu. Trên chuột nhắt trắng, Râu mèo bằng đường tiêm xoang bụng với liều 2 - 4g/kg làm giảm hoạt động vận động của chuột. Trên chó, bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch với liều 0,179g/kg có tác dụng hạ huyết áp và làm giảm tần số hô hấp.

Hạ đường huyết: dịch chiết lá Râu mèo có tác dụng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, nhưng tác dụng này không hằng định, cơ chế tác dụng, có thể là do kích thích sự hình thành glycogen ở gan. Acid ursolic làm giảm đường huyết, dùng trị đái tháo đường (ở Đài Loan).

Bảo vệ gan: chất ly trích bằng metanol từ lá Râu mèo cho thấy có tác dụng bảo vệ gan bị tổn hại bởi việc dùng quá liều paracetamol.

Tăng sức đề kháng: các flavonoid trong Râu mèo có tác dụng chống oxy hóa và bẫy gốc tự do là các chất gây tổn hại cho tế bào và hệ miễn dịch của cơ thể, do đó râu mèo còn có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể.

Hiệu quả trị mụn: trong hai cuộc thí nghiệm để trị mụn, một ở Pháp trên người châu Âu và một ở Thái Lan trên người châu Á, cho thấy một loại mỹ phẩm dạng nhũ tương có chứa 2% trích tinh lá Râu mèo làm giảm chất bã nhờn và kích thước mụn trên những người da nhờn do tác dụng làm giảm isozym týp 1 của 5-alpha reductase cũng như giảm sản sinh chất squalen, một cấu tử chính tạo nên chất bã nhờn là nguyên nhân phát sinh mụn. Tác dụng của mỹ phẩm có trích tinh Râu mèo tốt hơn khi so sánh với chế phẩm trị mụn thông thường chứa 1% kẽm gluconat.

Râu mèo được sử dụng độc vị hoặc phối hợp với các thuốc khác trong các chứng bệnh thống phong, thấp khớp, thấp ngoài khớp, phù nề, viêm thận, sỏi niệu, tiểu ít, viêm gan, hoàng đản, sốt nóng, cảm cúm, thủy đậu (trái rạ), sởi (ban đỏ), đái tháo đường, cao huyết áp…

Cách dùng, liều lượng:

Thường dùng cành lá mang hoa lúc chớm nở, tươi từ 20 - 60g; khô từ 12 - 30g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, pha như trà hoặc chế biến thành cao. Ngày 5 - 6g bột dược liệu pha với nửa lít nước nóng, chia làm 2 lần, uống trước bữa ăn 15 - 30 phút. Thường uống 8 ngày lại nghỉ 2 - 4 ngày.

Nhánh cây được phơi khô sắc lấy nước, lợi tiểu mạnh và tốt cho việc tiểu tiện. Trong Râu mèo, các chất kali, orthosiphonin, mesoisonitol tác dụng lợi tiểu, làm tăng bài tiết chất cặn bã như urê, acid uric, Na+, Cl-… và đặc biệt không làm mất kali nhiều như các thuốc lợi tiểu tây y.

Cỏ Râu mèo cũng được sử dụng làm thuốc trị sỏi thận và sỏi túi mật. Ngày dùng 15 - 40g dạng thuốc sắc, hãm. Có thể nấu cao lỏng. Thường uống luôn trong 8 ngày, lại nghỉ 2 - 4 ngày.

Theo tài liệu, Ấn Độ coi dịch hãm lá Râu mèo là thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh thận và bàng quang, ngoài ra còn điều trị bệnh thấp khớp và bệnh gút. Liều dùng 5 - 12g lá hãm với nước sôi, chia làm 2 lần uống trước khi ăn cơm 15 - 30 phút. Nên uống lúc dịch hãm còn nóng, hoặc sắc nước uống.

Các thuốc tây từ cây Râu mèo như: orthosiphon, betasiphon… dưới dạng cao lỏng trong ampoule, chỉ cần pha loãng vào nước chín để uống.

Lương y HOÀNG DUY TÂN

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""