TINH HOA XANH

Cây thuốc dễ kiếm có tác dụng an thần, gây ngủ

 Bình vôi

Cây Bình vôi (Stephania rotunda Laur, họ Tiết dê-MENISPERMACEAE) là loại cây mọc leo, thường bám vào núi đá, có củ rất to, mọc ở nhiều vùng nước ta (Tuyên quang, Hà Tây, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hoá…). Củ bình vôi có thể thu hái quanh năm.
Từ 1940, Bùi Đình Sang công tác ở Trường đại học Y Dược Hà Nội đã chiết ra chất Rotudin, còn gọi là Hyndarin hay Tetrahydropalmatin có tác dụng trấn kinh trong các trường hợp mất ngủ. Các nhà khoa học ở Liên Xô (cũ) cũng chứng minh hoạt chất này có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co quắp, hạ huyết áp.
Trong kháng chiến chống Pháp DS Bùi Đình Sang ở Xí nghiệp Quân dược Liên khu 10 đã sản xuất Rotudin để dùng cho thương binh tại các bệnh viện quân y. Người lớn uống 0,05g– 0,10g dưới dạng thuốc bột, thuốc viên; Trẻ em 1-5 tuổi dùng liều 0,020 – 0,025g; Trẻ em 5-10 tuổi dùng liều 0,03-0,05g.
Hiện Xí nghiệp dược phẩm trung ương số 2 (Dopharma) có bán rộng rãi bịêt dược Sen vông (viên) chứa ba loại dược liệu an thần, gây ngủ là L-tetrahydro palmatin (Rotundin) 15mg Cao khô Lá sen 50mgCao khô Lá vông 15mgđể điều trị cho bệnh nhân an thần, gây ngủ, giảm đau. Thuốc này có thể dùng thay thế cho thuốc tân dược Diazepam (Seduxen) vừa đắt, vừa gây nghiện.
Liều dùng của Sen vông trước khi đi ngủ
Người lớn: 2-3 viên / lần ngày 2-3 lần.
Trẻ em từ 1 tuổi trở lên: 1 – 2 viên mỗi lần và 2- 3 lần trong ngày. Một đợt dùng thuốc từ 10 – 15 ngày. Dưới đây nói đến tác dụng của hai loại dược liệu phối hợp. 

Vông nem 
Cây Vông nem (tên khoa học là Erythrina orientalis) họ Cánh bướm (Họ Đậu) -FABACEAE
Cây cao tới 10 – 20m, mọc khắp nơi, nhất là ở ven biển. Cây mọc hoang và được trồng để làm hàng rào và làm cảnh.
Ta dùng lá tươi hoặc sấy khô. Sở dĩ có tên Vông nem vì nhân dân ta thường dùng lá để gói nem và để phân biệt với cây Vông đồng.
Trường Đại học Quân y đã xác định Lá vông có tác dụng:
- Ức chế hệ thần kinh trung ương, làm yên tĩnh, gây ngủ, hạ nhiệt độ, hạ huyết áp
- Co bóp các cơ
- Ít độc tính
Công dụng:
• Có tác dụng an thần, gây ngủ. Có thể dùng dưới dạng rượu Lá vông với liều 1 – 2g,  cao lỏng Lá vông với liều 2–4g một ngày. Có thể pha siro Lá vông như sau: rượu Lá vông tươi 1/5: 150ml, Siro đơn vừa đủ: 500ml. Uống mỗi ngày 20ml trước khi đi ngủ. 
Có thể làm thuốc hãm hay thuốc sắc với liều 2 – 4 gam lá mỗi ngày.
• Bệnh viện 108 (Hà Nội) đã dùng Lá vông nem giã nhỏ đắp lên vết loét (đã chữa bằng cách khác không khỏi) Kết quả: vết thương chóng lên thịt non.
• Nhân dân Trung Quốc còn dùng Lá vông làm thuốc sát trùng, an thần và gây ngủ. Liều dùng: 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc.

Cây sen
Tên khoa học là Nelumbo nucifera họ Sen-NELUMBONACEAE. Cây Sen mọc ở ao hồ nhiều nơi trong nước ta, để lấy hoa ướp chè và gương sen (có quả thường gọi là hạt sen) để ăn và làm thuốc. Mùa thu hái vào các tháng 7 – 9.
Những vị thuốc lấy từ cây Sen:
Ngó Sen (còn gọi là Liên ngẫu): Để làm thức ăn và cầm máu. Liều dùng: 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc


Hạt Sen (chính là Quả sen, còn gọi là Thạch liên tử) dùng chữa lỵ.
Bóc vỏ lấy hạt gọi là Liên nhục (hay Liên tử) dùng làm thuốc bổ, chữa mất ngủ và thần kinh suy nhược (ngày dùng 10 – 30g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột)
Gương Sen già sau khi bóc hết quả và phơi khô (còn gọi là Liên phòng) dùng làm thuốc cầm máu (ngày dùng 15 – 30g dưới dạng thuốc sắc)
Lá sen (gọi là Hà diệp) tác dụng như Gương sen (khi bệnh cấp tính thì dùng lá Sen với liều dùng 15 – 20g dưới dạng thuốc sắc).Cao Lá sen có trong thành phần của viên Sen vông.
Tâm sen (chồi mầm phơi hay sấy khô lấy từ Hạt sen, còn gọi là Liên tâm hay Liên tử tâm). Tâm sen chữa bệnh mất ngủ, tim hồi hộp (dùng dạng thuốc sắc hay thuốc pha). Y học cổ truyền còn dùng Tâm sen chữa bệnh thổ huyết.
Liên tu (tức là tua nhị đực của Hoa sen, đã cắt bỏ hạt gạo và phơi khô) để chữa thổ huyết, băng huyết (ngày uống 5 – 10g dưới dạng thuốc sắc)

Nguyễn Khang (CTQ số 95)

 

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""