Bồ công anh còn có tên khác là rau Bồ cóc, Diếp dại, Mũi mác, Diếp trời,... Là loại cây nhỏ, thường cao khoảng 1m, đôi khi cao tới 3m, thân mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành. Lá cây có nhiều hình dạng, gần như không có cuống, chia thành nhiều thùy hay răng cưa to, thô; Hoa màu vàng, có loại màu tím, cả hai loại đều dùng làm thuốc.
Bồ công anh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Thường nhân dân ta dùng lá làm thuốc, lá hái về dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô dùng dần. Khi làm thuốc có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Theo y học cổ truyền, Bồ công anh có vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường dùng chữa sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt, viêm dạ dày, khó tiêu,…
Một số đơn thuốc thường dùng
Chữa vú sưng đau, tắc tia sữa: Lá bồ công anh tươi khoảng 30g, rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, còn bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau. Thường chỉ dùng 2 - 3 lần là đỡ.
Ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt: Lá bồ công anh khô 10 - 15g, nước 600ml (khoảng 3 bát con), sắc còn 200ml (1 bát), đun sôi trong vòng 15 phút. Uống 5 - 7 ngày.
Mụn nhọt: Bồ công anh 40g, Bèo cái 50g, Sài đất 20g. Sắc uống ngày một thang. Uống 3 - 5 ngày.
Viêm họng: Bồ công anh 40g, Kim ngân hoa 20g, Cam thảo nam 10g. Sắc uống ngày một thang. Uống 3 - 5 ngày.
Chữa đau dạ dày do viêm: Lá Bồ công anh khô 20g, Lá khôi 15g, Lá khổ sâm 10g, nước 300ml, đun sôi trong vòng 15 phút, khi uống cho thêm ít đường cho dễ uống, chia 3 lần uống trong ngày, 10 ngày là một liệu trình.
Cần lưu ý phân biệt
Trên thực tế, tên Bồ công anh được dùng để chỉ ít nhất 3 loại cây khác nhau, đó là:
Bồ công anh Việt Nam, phổ biến ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, còn gọi là rau Bồ cóc, Diếp dại, Mũi mác, Diếp trời, Mũi cày.
Bồ công anh Trung Quốc, là loại cây được ghi trong các sách dược của Trung Quốc.
Cây Chỉ thiên, một số vùng ở miền Nam gọi là Bồ công anh và dùng như bồ công anh Trung Quốc.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nga