TINH HOA XANH

Côn bố giúp tiêu u

Côn bố là một loại tảo dẹt ở biển. Côn bố có tên khoa học là Laminasia japonica Aresch. Vào mùa hạ và mùa thu, người ta vớt Côn bố ở biển, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt nhỏ thành sợi, rồi phơi khô dùng dần. Người ta thấy trong thành phần Côn bố có tới 60% hydrat carbon (chủ yếu là: algin, lactosan, pentosan, vitamin, protit và một số chất béo, tro toàn phần trong đó có iốt, kali, sắt và canxi).

Kết quả nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, Côn bố có tác dụng tăng cường công năng miễn dịch của cơ thể, cường tim và hạ đường huyết, chống co giật và ngưng tập tiểu cầu, giảm mỡ máu, chống phóng xạ và ung thư.

Theo y học cổ truyền, Côn bố có vị mặn, tính hàn, vào kinh tỳ, vị, thận, có tác dụng điều trị chứng lao hạch, bướu cổ, thủy thũng, làm mềm, tiêu u cục hay là chứng đàm kết thành khối, trị viêm đường tiết niệu, sưng đau tinh hoàn...

Dưới đây là một số bài thuốc để bạn đọc tham khảo và áp dụng trong phòng và chữa bệnh từ Côn bố:

    Chữa chứng sưng đau hạch lym-phô: Côn bố 10g, Huyền sâm 10g, Mẫu lệ 15g, Hạ khô thảo 15g, Cương tằm 5g. Các vị thuốc trên sấy khô, tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g.

    Chữa tuyến giáp trạng sưng to: Côn bố, Huyền sâm, Bán biên liên, Cải rừng tía, mỗi vị 16g, sắc uống.

    Chữa trị viêm phế quản mạn tính: Côn bố 10g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống, có thể thêm đường cho dễ uống.

    Hoặc dùng bài: Côn bố 100g, Bách bộ 100g, Tri mẫu 200g. Các vị thuốc đem sao với mật rồi ngâm với rượu trắng vừa đủ. Sau 10-15 ngày là dùng được, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml.

    Chữa trị đới hạ, tinh hoàn sưng đau: Côn bố 12g, Quất hạch 12g, Mẫu lệ 12g, Tiểu hồi 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

    Chữa thủy thũng, bướu cổ, khí kết tụ ở bàng quang: Côn bố 60g, Hành tươi, Gừng tươi, Vỏ quýt, Hạt tiêu, gia vị vừa đủ, nấu thành canh ăn với cơm gạo tẻ.

    Chữa dưới cổ phồng lên túi hơi chắn thành bướu: Côn bố, Hải tảo lượng bằng nhau, tán nhỏ, viên với mật hoàn viên, dùng 6g, ngậm nuốt nước.

    Lương y: Hoài Vũ

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""