Tên khác: Thân cân đằng.
Tên khoa học: Tinospora sinensis (Lour.) Merr. (T. tomentosa Miers), thuộc họ Tiết dê MENISPERMACEAE.
Mô tả
Dây leo bằng thân quấn, dài 8-10m. Thân màu xám, lúc đầu có lông, sau nhẵn, có lỗ bì sần sùi. Lá mọc so le, hình tim, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ; gân lá hình chân vịt. Hoa màu vàng lục, mọc thành chùm ở nách lá, có lông màu trắng nhạt. Quả hình bầu dục hoặc tròn, khi chín có màu đỏ.
Sinh thái
Mọc rải rác trong rừng hỗn giao, rừng rụng lá ở độ cao 300-900m. Cũng được trồng bằng những đoạn thân vào đầu mùa mưa.
Phân bố
Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình vào Kon Tum, Gia Lai. Còn ở Ấn Độ, Nêpan, Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Bộ phận dùng
Dây và lá, thường gọi Thân cân đằng.
Khi dùng làm thuốc, thu hái thân già, thái nhỏ, phơi khô. Dùng sống hay tẩm rượu sao. Có thể thu hái quanh năm.
Thành phần hóa học
Trong Dây đau xương có nhiều Alcaloid. Trong cây có một glucosid phenolic là tinosinen. Trong cành cây còn có 2 chất dinorditerpen glucosid là tinosinesid A và tinosinesid B. Dây đau xương có tác dụng chống viêm; ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn của histamin và acetylcholin trong thí nghiệm ruột cô lập. Còn có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, có tác dụng hiệp đồng với thuốc ngủ, an thần và lợi tiểu.
Tính vị, tác dụng
Vị hơi đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, thư cân hoạt lạc, khư phong chỉ thống.
Công dụng
Thường dùng chữa sốt rét, phong thấp, chứng đau nhức gân cốt, đau dây thần kinh hông, đòn ngã tổn thương và để bổ sức. Lá tươi cũng dùng đắp lên các chỗ nhức trong gân cốt và trị rắn cắn.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây được dùng trị phong thấp tê đau, đau thần kinh tọa, lưng cơ lao tổn, đòn ngã tổn thương, gãy xương, ngoại thương xuất huyết, đau dạ dày và kinh nguyệt không đều. Ở Quảng Tây, cây cũng được dùng trị phong thấp đau xương, lưng cơ đau mỏi và đòn ngã tổn thương.
Cách dùng
Mỗi ngày dùng 15-30g đun sôi trong nước uống. Có thể ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với hạt Cốt khí và Đậu đen xanh lòng (Kinh nghiệm dân gian). Hoặc ngâm rượu với tỷ lệ 1/5, uống ngày 3 lần, mỗi lần một cốc con. Lá thường dùng giã nhỏ vắt lấy nước cốt, lấy bã đắp trị rắn cắn, hoặc trộn với rượu để đắp chỗ sưng đau.
Đơn thuốc:
- Đau dây thần kinh hông: Dùng Dây đau xương, Lấu bò, Kê huyết đằng, Ngũ vị, Kim ngân, mỗi vị 15g. Đun sôi lấy nước uống (Từ điển Cây thuốc Việt Nam, bộ mới).
- Phong thấp gân xương đau nhức, chân gối rũ mỏi: Dùng Dây đau xương, Bưởi bung, Đơn gối hạc, Cỏ xước, Gấc (rễ), mỗi vị 20-30g, sắc uống (Từ điển Cây thuốc Việt Nam, bộ mới).
- Đòn ngã tổn thương hoặc đi chạy nhiều sưng chân hay phong thấp sưng đầu gối: Dùng lá Dây đau xương giã nát chế rượu (hoặc giấm hay nước tiểu trẻ em) vào, vắt lấy nước cốt uống, bã thì chưng nóng bóp và đắp vào chỗ đau (Từ điển Cây thuốc Việt Nam, bộ mới).
- Chữa rắn cắn:
+ Lá Dây đau xương một nắm, giã nát lấy nước cốt uống, bã dùng đắp (Bách gia trân tàng).
+ Lá Dây đau xương 20g, lá Thài lài 30g, lá Tía tô 20g, Rau sam 50g. Dùng tươi giã nhỏ, vắt lấy nước uống, bã đắp (Cây thuốc Việt Nam).
(TS Võ Văn Chi)