TINH HOA XANH

Hoa đào - vị thuốc mùa xuân

Nói đến mùa xuân là nói đến Hoa đào. Mặc dù hoa Đào nguồn gốc ở xứ Ba tư xa xôi nhưng ngày nay Hoa đào đã có mặt khắp nơi trên đất Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc mỗi khi Tết đến, xuân về. Mọi người yêu Hoa đào vì giá trị thẩm mỹ và văn hóa, nhưng ít người biết Hoa đào còn là vị thuốc độc đáo của nền y học cổ truyền.

Từ xưa, sau dịp Tết Nguyên đán, người ta thường thu hái Hoa đào đem phơi khô trong bóng râm (phơi âm can) và bảo quản nơi cao ráo để làm thuốc dùng dần. Theo nhiều sách thuốc cổ như Thiên kim phương, Ngoại đài, Thánh tễ tổng lục, Thánh huệ phương, Biệt lục, Bản thảo cương mục, Trửu hậu phương… 
Hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc và vào được ba đường kinh: Thủ thiếu âm tâm, Túc quyết âm can và Túc dương minh vị. Vị thuốc này có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt… Ngoài ra, Hoa đào còn được dùng như một thứ mỹ, dược phẩm để làm đẹp cho phụ nữ.

1. Giúp thân hình thon thả
Với những phụ nữ quá béo, muốn có được một thân hình thon thả, ưa nhìn, sách Thiên kim yếu phương khuyên:
Cách 1: Nên uống bột Hoa đào mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1g vào lúc đói. Để trị các vết rám đen ở mặt, người ta dùng Hoa đào 4 phần, Bạch dương bì 2 phần và Bạch quả tử nhân 5 phần, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g ngay sau bữa ăn. Bài thuốc này có tên gọi là Bạch dương bì tán, được ghi lại trong sách Trửu hậu phương

Cách 2: Dùng Hoa đào tươi 50g, nhân Hạt bí đao 50g, hai thứ nghiền nhỏ trộn với Mật ong rồi bôi mỗi ngày vài lần lên da mặt. Hoặc: Dùng Hoa đào tươi 250g và Bạch chỉ 30g ngâm với 1.000ml Rượu trắng, sau 1 tháng thì dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml. 

Cách 3: Dùng Hoa đào 10g, Hoa sen 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

2. Làm cho làn da trắng hồng tự nhiên
Phụ nữ muốn có được làn da trắng trẻo, nhu nhuận, mịn màng có thể dùng bài thuốc có tên gọi là Ngọc nhan tán, gồm các vị: Hoa đào 200g, Đông qua nhân (nhân Hạt bí đao) 250g và Bạch dương bì (vỏ cây Bạch dương) 100g. 
Các vị đều sấy hoặc phơi khô, tán bột, trộn thêm một chút đường trắng rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn. Cũng có thể dùng Hoa đào tươi 120g ngâm với 500ml rượu trắng, sau 7 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 10ml.
Danh y Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu cũng đã ghi lại hai phương thuốc dùng Hoa đào để làm đẹp da mặt cho phụ nữ. 
Phương thứ nhất: Hoa đào 4 lạng ta, nhân Hạt bí đao 5 lạng ta, Vỏ quýt 2 lạng ta, tất cả đều phơi khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 đồng cân với nước ấm sau bữa ăn. 
Muốn da trắng thì thêm nhân hạt Bí đao, nếu muốn da đỏ hồng thì thêm Hoa đào. Uống 50 ngày thì mặt trắng, uống thêm 50 ngày nữa thì da dẻ toàn thân cũng trở nên trắng trẻo. 
Phương thứ hai: Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch lấy Hoa đào phơi khô, tán bột. Ngày mùng 7 tháng 7 chích lấy máu ở mào con gà, đem trộn với bột Hoa đào rồi bôi lên da mặt, sau 2 - 3 ngày màng thuốc bong ra thì da mặt trở nên tươi sáng như hoa.
Muốn tư âm bổ thận, nhuận da và dưỡng nhan sắc, có thể dùng món ăn được chế từ Hoa đào: Hoa đào 20 bông, Tôm nõn 300g, Củ cải 150g, Hành tây 70g, tương Cà chua 50g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Hoa đào tỉa lấy cánh rửa sạch, Củ cải và Hành tây rửa sạch thái mỏng, đổ dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho Tôm, Củ cải, Hành tây vào xào to lửa, khi chín cho tương Cà chua và gia vị vừa đủ, đổ ra đĩa, rắc cánh Hoa đào lên trên, ăn nóng.

3. Trị mụn trứng cá
Để trị trứng cá, mụn nhọt trên da mặt, Tuệ Tĩnh khuyên:
Cách 1: Nên dùng Hoa đào và nhân Hạt bí đao với liều lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột, hòa với Mật mà bôi. 
Cách 2: Dùng Hoa đào và Đan sa với liều lượng như nhau, tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 đồng cân (3 - 4g) vào lúc đói trong 10 - 20 ngày. 
Ngoài ra, để trị mụn nhọt ở vùng lưng, sách Thánh tễ tổng lục khuyên nên dùng bột Hoa đào hòa với Giấm đặc mà bôi lên chỗ bị tổn thương nhiều lần trong ngày.



4. Trị  một số bệnh khác
- Để trị các chứng cước khí, đau vùng tim, người ta dùng Hoa đào khô tán bột, uống với nước ấm hoặc rượu với liều từ 3- 5g trong một ngày. 
- Chữa chứng rụng tóc, hói đầu người ta dùng bột Hoa đào trộn đều với mỡ lợn hoặc dầu vừng rồi bôi lên vùng tổn thương sau khi đã rửa sạch bằng nước hòa với tro của rơm rạ. 
- Chữa chứng ngược tật (sốt rét) dùng Hoa đào tán bột uống, mỗi ngày 3g với rượu ấm. 
- Chứng kiết lỵ dai dẳng, có thể dùng Hoa đào 10 - 15 bông sắc uống, mỗi ngày 3 lần. 
- Chữa chứng đại tiện táo kết, dùng Hoa đào khô 10g, Hoa đào tươi 30g, sắc uống. 
- Nếu chữa chứng tiểu tiện bất lợi, dùng Hoa đào tươi 30g trộn với bột mỳ, đường làm bánh nướng ăn.

Chú ý: Cũng như các vị thuốc khác được lấy từ cây Đào như lá, cành, nhân hạt, nhựa và rễ đào, Hoa đào không được dùng cho những phụ nữ có thai. Khi dùng dài ngày cũng cần phải có sự hướng dẫn của các thầy thuốc y học cổ truyền vì theo cổ nhân, Hoa đào dùng lâu ngày có thể làm tổn thương nguyên khí.
Ngày nay, các nhà khoa học đã phân tích và tìm thấy nhiều chất khác nhau trong Hoa đào như Kaemferol, Coumarin, Trifolin, Naringenin… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu khảo sát tác dụng dược lý của Hoa đào trên thực nghiệm cũng như lâm sàng. 
Hoa đào hiện có ở nhiều nơi trên đất nước ta, ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang… đào mọc thành rừng. Thiết nghĩ, việc khuyến khích trồng Đào, nghiên cứu sử dụng các bộ phận của Cây đào nói chung và Hoa đào nói riêng để làm thuốc là rất cần thiết, vừa có lợi cho cảnh quan môi trường lại vừa có ích cho sức khỏe con người.

Hoàng Xuân Mai (CTQ số 78)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""