TINH HOA XANH

Hương nhu- vị thuốc chữa bệnh xuân hè

Hương nhu là tên chữ Hán, song cũng tuỳ theo từng vùng mà có nhiều tên gọi khác nhau như Hương thái, Hương như, Thạch giải, Cẩn nhu, Thanh lương chủng, Mật phong thảo, rau é, Sách “Bản thảo cương mục” còn gọi Hương nhu là “Hương nhung” và chép rằng. “Hương nhu có công hiệu tiêu phiền, giải thử…” Có hai loại Hương nhu chính là: “Bạch hương nhu và Tử hương nhu” tức Hương nhu trắng và Hương nhu tía mà bà con phía Nam vẫn gọi nôm na là rau é trắng và rau é tía...
Theo “Dược tính đại từ điển”, Hương nhu có vị cay, tính hơi ấm, không độc, giỏi hạ khí, giải cảm nắng, trừ phiền nhiệt, giúp ra mồ hôi, lợi tiểu…, chủ trị các chứng như tiêu chảy, đau bụng, ói mửa, thuỷ thũng. Liều dùng thông thường khoảng từ 2g đến 8g. Còn sách “Nam dược thần hiệu” có ghi: Hương nhu vị cay, tính hơi ấm, để lâu chữa được thổ tả rút gân, giải cảm nắng, trừ phiền nhiệt rất tốt và khuyên nên thu hoạch vào tháng 8, tháng 9 âm lịch lúc Hương nhu đang có hoa, hái về phơi khô cất dùng dần.


Sách “Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” chép: Tên Hương nhu hiện được dùng để chỉ nhiều vị thuốc khác nhau, nhưng đều là cây thuốc họ Hoa môi. Tại Việt Nam có hai loại Hương nhu trắng và tía; Hương nhu tía còn gọi là é rừng hay é tía; Hương nhu trắng còn có tên là é lớn lá. Hương nhu của ta và Hương nhu của Trung Quốc tuy khác nhau về nguồn gốc, nhưng có cùng một công dụng về trị liệu bệnh. 
Xin giới thiệu một số phương cụ thể trong trị liệu bằng Hương nhu:
* Chữa trẻ mắc chứng chậm mọc tóc.
Hương nhu 40g, sắc với 200ml nước, sau cô đặc, trộn với mỡ lợn bôi lên đầu mỗi ngày. (Theo những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
* Chữa cảm nắng. Chọn một trong hai phương sau:
1. Hương nhu 20g, Gừng tươi 6g, nước 450ml, đun sôi 15 phút, lấy nước uống nóng, đắp chăn cho mồ hôi toát ra.
2. Hương nhu 16g, vỏ Vối rừng 10g, Đậu ván (sao giã dập) 10g sắc lấy nước uống, chia hai lần trong ngày.
* Chữa chứng cảm mạo tứ thời.
Dùng Hương nhu thái nhỏ, mỗi lần uống 8g, pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc, cho ra mồ hôi là khỏi bệnh.
* Chữa chứng cảm hàn. Dùng một trong hai phương sau:
1. Lấy Hương nhu tươi cả rễ (rửa sạch) 15g, gạo cội (gạo ta hạt) 50g, vo đãi kỹ. Tất cả cho vào nồi nấu thành cháo loãng, khi cháo vừa sôi cho vào nồi 15g Đường đỏ, quấy tan đều. Để cháo chín đều là được. Ăn nóng, sau đắp chăn cho ra mồ hôi rất hiệu nghiệm. (Theo Thường kiến bệnh thực phẩm liệu pháp).
2. Hương nhu 30g, kẹo mạch nha 15g, cho vào nồi cùng nửa bát nước cơm, đợi kẹo Mạch nha tan hết thì đổ vào nồi đất nấu 30-50 phút, hạ lửa, chờ bớt nóng, lọc bỏ bã và nấu sôi lại, đập 1 quả trứng gà, nên thêm chút đường trắng và uống nóng.  Phương thuốc rất hay ( Thường kiến bệnh thực phẩm liệu pháp).
* Chữa chứng cúm truyền nhiễm.
Dùng Hương nhu 50g, Đậu nành (Hoàng đậu) 15g, cho nước vừa đủ, đun kỹ lấy nước nóng một lần (Thường kiến bệnh thực phẩm liệu pháp).
* Chữa hôi miệng.
Hương nhu 10g, nước 200ml, sắc lấy nước ngậm và súc miệng thường xuyên sẽ hiệu nghiệm.
* Chữa viêm mũi dị ứng.
Hương nhu 12g, Bạc hà 12g, Cỏ cứt lợn 12g, nước 500ml đun sôi cho vào ca bịt giấy chọc thủng một lỗ nhỏ đủ để ghé mũi vào hít hơi, ngày một lần.
* Chữa chứng nôn mửa ỉa chảy.
Dùng 1 nắm Hương nhu, rửa sạch, sắc lấy nước, hoà thêm một muỗng nước cốt Gừng, chia hai lần uống trong ngày (Dã thái trị bách bệnh dân gian liệu pháp). 
* Chữa trĩ.
Dùng Hương nhu 500g, nấu sôi, để nước còn ấm đổ vào chậu ngâm hậu môn, sau rửa, làm thường xuyên. Phương này rất công hiệu (Dã thái trị bách bệnh dân gian liệu pháp).
* Chữa sởi ở trẻ em.
Sởi mới mọc, dùng 500g – 1kg Hương nhu, nấu lấy nước lau mặt và cổ cho trẻ, sởi mọc đều và phòng được biến chứng. (Dã thái trị bách bệnh dân gian liệu pháp).
* Chữa chứng đau bụng.
Lấy lá Hương nhu 1000g, ngâm vào rượu nho, sau ba ngày lọc bỏ bã. Khi đau bụng, uống 15ml rượu này. Phương này rất kiến hiệu. (Thường kiến bệnh thực phẩm liệu pháp).
* Chữa đái rắt hoặc bụng đầy.
Hương nhu 40g, cỏ sả 30g, rau dừa nước 30g. Sắc lấy nước uống trong ngày.
Cần lưu ý: Không lạm dụng khi dùng Hương nhu, vì vị thuốc này làm ra mồ hôi nhiều sẽ gây tổn thương nguyên khí. Những người âm hư, khí hư tránh dùng Hương nhu.

Hoàng Xuân Đại (CTQ số 87)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""