TINH HOA XANH

Ké hoa đào trừ phong, lợi thấp

Ké hoa đào còn có tên là Ké hoa đỏ, Thổ đỗ trọng, Hồng hài nhi, Dã mai hoa, Dã miên hoa, Dã đào hoa... Cây mọc hoang ở nhiều nơi, dùng rễ và toàn cây, thu hái vào mùa hạ và mùa thu để làm thuốc, dùng tươi hoặc sấy khô dùng dần.

Theo Đông y, Ké hoa đào có vị ngọt dịu, tính mát, không độc, vào 2 kinh phế và tỳ, có tác dụng trừ phong, lợi thấp, thanh nhiệt, giải độc. Dùng chữa đau nhức, phong thấp, thủy thũng, tiểu tiện khó, khí hư, tiêu hóa kém, bướu giáp… Dùng ngoài chữa vết thương phần mềm, viêm tuyến vú, rắn cắn. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ làm thuốc đắp ngoài trị tê thấp. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa viêm họng: Ké hoa đào 40g, củ Rẻ quạt 10g, Kim ngân hoa 20g, Bồ công anh 12g, Cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa phong thấp, viêm khớp, đau nhức xương: rễ Ké hoa đào 40-60g, sắc uống.

Chữa lỵ: Ké hoa đào 30g, lá Mơ lông 20g, Rau sam 20g, Cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa bạch đới: rễ Ké hoa đào 20g, rễ Củ gai 20g, Bạch đồng nữ 20g, Cam thảo dây 10g. Sắc uống.

    Chữa viêm thận phù thũng: rễ Ké hoa đào 40-60g sắc uống.

    Chữa bướu cổ đơn thuần: Ké hoa đào 30g, Ké đầu ngựa 20g. Sắc uống trong ngày.

    Chữa viêm ruột: Ké hoa đào 40g, lá Ba chẽ 20g. Sắc uống trong ngày. Có thể dùng riêng, toàn cây 40 - 50g, chặt nhỏ, sao vàng, sắc uống.

    Chữa tiêu hóa kém: rễ Ké hoa đào tươi 60g rửa sạch, giã nát, lọc bỏ bã, uống trong ngày.

    Chữa rong kinh, rong huyết: rễ Ké hoa đào 40g, Mần tưới 20g, Chỉ thiên 20g, Mã đề 20g. Sắc uống.

    Thuốc dùng ngoài

    Chữa vết thương sưng đau, mụn nhọt mưng mủ: Ké hoa đào lượng vừa đủ, giã nát, cho vào miếng gạc sạch, băng đắp vào vết thương.

    Chữa rắn cắn: lá Ké hoa đào lượng vừa đủ, giã nát, băng đắp tại chỗ .

    Chữa viêm tuyến vú: lá Ké hoa đào, lá Sài đất, lá Bồ công anh mỗi vị 30g, tất cả rửa sạch, giã nát, đắp tại chỗ.

    DS. Mai Thu Thủy

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""