Rau Mơ dân ta gọi bằng nhiều tên như dây Mơ lông, Mơ tam thể. Rau Mơ dùng để ăn sống hoặc nấu canh.
Dân gian gọi nôm na rau Mơ là rau bình vị, giúp tiêu hóa tốt. Theo lương y Lê Trần Đức, rau Mơ vị đắng, tính mát, thanh nhiệt, sát trùng. Sau đây là một số cách dùng rau Mơ phòng trị bệnh.
Trị chứng sôi bụng, ăn khó tiêu: Do tỳ vị suy yếu ăn vào thường hay sôi bụng ùng ục, khó tiêu hóa. Dùng 1 nắm rau Mơ tươi, rửa sạch ăn kèm vào bữa cơm hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống. Dùng liền trong vài ba ngày sẽ có hiệu quả.
Chữa chứng kiết lỵ: Đi tiêu phân có máu và chất nhầy như nước mũi, đôi khi sốt nhẹ. Dùng một nắm rau Mơ tươi, thái nhỏ, trộn với 1 quả trứng gà, bọc lá chuối nướng cho chín đều, có thể dùng chảo khô (không dùng dầu, mỡ) đảo chín ăn. Ăn ngày 3 lần, liền trong vài ba ngày sẽ khỏi.
Chữa chứng lỵ mới phát do đại tràng bị tích nhiệt: rau Mơ tươi, lá Phèn đen mỗi thứ 1 nắm, rửa sạch, đem chần qua nước sôi, vẩy ráo nước, giã nát, vắt nước uống 3-4 lần/ngày.
Chứng phong tê thấp (đau nhức xương khớp, luôn có cảm giác nặng nề, bứt rứt),dùng đồng thời hai cách trong uống ngoài đắp:
Uống: cả lá và dây tươi cắt nhỏ, mỗi đoạn chừng 1-2cm, sao vàng. Mỗi lần dùng 50g, sắc với 200ml, còn 100ml, chia đều uống 3 lần trong ngày, liên tục 10-15 ngày.
Dùng xoa bóp: cả lá và thân Mơ tươi thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, ngâm trong rượu (trên 40 độ) lắc đều mỗi ngày. Xoa vào các vùng đau nhức.
Trị giun đũa: lấy 30-50g lá Mơ tươi, rửa sạch, giã thật nát vắt lấy nước cốt, thêm vào chút muối để uống, hoặc ăn sống. Ăn liền trong 3 buổi sáng, lúc bụng đang đói giun sẽ ra hết.
Trị giun kim: rau Mơ tươi 30g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt hòa vào 50ml nước chín bơm thụt vào hậu môn, giữ khoảng 2 phút, vào lúc 19-20 giờ trước khi ngủ, giun sẽ bò ra. Đồng thời uống thêm nước cốt rau Mơ tươi như cách trị giun đũa, càng hiệu quả.
Trị đau bụng: 20-30g lá rau Mơ tươi, rửa sạch, ăn sống hoặc giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Uống hoặc ăn liên tục như thế nhiều ngày sẽ có hiệu quả.
Chữa tiêu chảy do nóng nhiệt: biểu hiện khát nhiều, nước tiểu vàng, phân khắm, bụng quặn đau kèm đầy hơi, hậu môn nóng đỏ rát. Dùng 16g lá rau Mơ, 8g nụ Sim, 50ml nước, sắc còn 200ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Làm lành vết thương: một nắm lá Mơ lông tươi xay thật mịn và đắp vào vết thương.
Chữa cảm lạnh: hấp chín khoảng 25 lá Mơ lông tươi để ăn, hoặc ăn sống rau Mơ tươi.
Chữa thấp khớp, bí tiểu: lá Mơ tươi 15-60g, đun sôi trong nước, gạn bỏ xác lá và uống nước, ngày uống một lần.
Chống viêm loét: nghiền nát một nắm lá Mơ lông tươi và vắt lấy một chén nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Chữa ghẻ, phỏng, mụn nước: lá Mơ lông tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, chấm vào các nốt ghẻ.
Nấm da, chàm, giời leo: lấy toàn cây Mơ lông tươi (một nắm tay), rửa sạch nghiền mịn, bôi vào chỗ ngứa.
Thiểu năng tình dục: nên ăn thịt chó với lá Mơ sẽ có tác dụng cộng hưởng.
Chữa vết thương chảy máu: hạt cây rau Mơ giã nát bọc vải dán vào vết thương cầm máu ngay.
Ở Ấn Độ, Philippines, Malaysia, người dân dùng lá Mơ lông giảm đau để kích thích ăn ngon miệng, thèm ăn. Chiết xuất tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, điều trị ho. Sách xưa viết nhiều công dụng khác của cây rau mơ và hạt của nó như bổ hư lao, bổ trung, ích khí, ích tinh.
BS. Phó Đức Thuần