TINH HOA XANH

Lửa Lựu lập lòe

Cây Lựu còn có tên là Thạch lựu, Bạch lựu, Lựu chùa tháp, tên khoa học là Punica granatum L, họ Lựu PUNICACEAE. Lựu có nguồn gốc từ Nam Á, sau di thực sang châu Á, Nam Mỹ, miền Nam Hoa Kỳ và các nước Địa Trung Hải.
Lựu là cây thuộc mộc, cao 3 – 4m, cây nhỏ. Lá dài, nhỏ, mềm mỏng, đơn, mép nguyên có khi mọc thành cụm nhưng thường mọc so le hoặc hơi mọc đối, cuống ngắn. Hoa màu đỏ tươi hoặc màu trắng, mọc riêng lẻ hoặc từng sim có độ 3 hoa. Quả to bằng nắm tay, đầu quả còn 4 – 5 lá đài; vỏ dày, ngoài da sắc lục, khi chín có màu vàng đỏ lốm đốm. Trong quả có 8 ngăn xếp thành hai tầng, tầng trên có 5 ngăn, tầng dưới có 3 ngăn. Các ngăn phân cách với nhau bằng màng mỏng, nhiều hạt; hạt hình 5 cạnh, sắc hồng trắng. Trong vỏ rễ, vỏ thân, vỏ cành có chứa khoảng 22% tanin. Trong vỏ quả có khoảng 28% tanin và chất màu, ngoài ra còn có các hoạt chất khác.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Wisconsin (Mỹ) đã tìm thấy trong chất chiết từ quả Lựu có một số polyphenol và anthocyanidin - những tác nhân kháng ung thư da. Thực nghiệm cho thấy các chất chiết từ quả Lựu không chỉ giảm tỷ lệ khối u mà còn giảm trọng lượng khối u. Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh rằng chiết xuất từ quả Lựu có tác dụng chống lại sự phát triển khối u ở da. Hiệp hội nghiên cứu về ung thư của Hoa Kỳ cũng cho rằng nước quả Lựu có tác dụng chống bệnh ung thư da rất tốt. Các nhà khoa học trường ĐH Tổng hợp Washington (Mỹ) cho biết: “Chứng thiếu máu cục bộ gây giảm oxy huyết dẫn đến chấn thương não ở trẻ sơ sinh rất khó chữa. Nhưng nếu trong thời kỳ mang thai, người mẹ uống nước quả Lựu thì con sinh ra ít có nguy cơ bị tổn thương não vì trong nước Lựu có pholyphenol nồng độ cao có khả năng bảo vệ thần kinh và chống lão hóa”.


Theo Đông y, vỏ Lựu vị chua, chát, tính ấm, có tác dụng sáp tường chỉ tả, chỉ huyết khu trũng, chữa tiêu chảy, lỵ ra huyết, đái ra máu, băng huyết bạch đới, thoát giang, đau bụng giun. Vỏ thân, vỏ rễ vị đắng, chát, tính ấm, có tác dụng sát trùng, trừ sán, chữa đường ruột bị giun sán.
Những bài thuốc diệu kỳ từ lựu

Tẩy sán dây
Vỏ rễ và vỏ thân Lựu cắt nhỏ, ngâm vào 750ml nước trong 6 giờ, sắc lấy 500ml nước; uống vào buổi sáng lúc đói, chia 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau nửa giờ. Hai giờ sau dùng một liều thuốc tẩy magie sulphat (không dùng thuốc tẩy dầu, có thể bị ngộ độc), sau đó nằm nghỉ. Khi mót đại tiện, ngồi nhúng mông vào chậu nước ấm để sán ra cả đầu. Trẻ em và phụ nữ có thai không được dùng thuốc này.


Chữa kiết lỵ ra máu 
Hoa Lựu 50g, rau Sam 50g, Nhọ nồi 30g, rau Má 30g, Kim ngân hoa 30g, rễ Cúc hoa vàng 10g. Tất cả đều dùng tươi, rửa sạch, cắt nhỏ, nấu với nước rồi cô thành cao lỏng, trộn với xirô theo tỷ lệ 1/1. Trẻ 5 – 10 tuổi, mỗi lần uống 1 – 2 thìa cà phê; trên 10 tuổi uống 2 – 3 thìa, ngày uống hai lần; người lớn mỗi lần uống 4 – 6 thìa cà phê, ngày uống hai lần.


Chữa tiêu chảy lâu ngày
Vỏ quả Lựu 15 – 20g, nước 400ml sắc còn 100ml thuốc. Uống hết một lần, khi uống cho thêm ít đường, dùng liên tục từ 7 – 10 ngày. Hoặc vỏ quả Lựu 200g, rửa sạch, cạo bỏ màng trong, cắt nhỏ, nấu với một lít nước. Đun sôi 30 phút, gạn lấy nước; cho tiếp 500ml nước vào, đun sôi 30 phút, gạn lấy nước. Gộp hai nước lại, cô còn 500ml, thêm đường và chất thơm để bảo quản và dùng được lâu. Người lớn uống 4 lần, mỗi lần 2 – 3 thìa cà phê; dùng liên tục từ 7 – 10 ngày.


Chữa đau bụng giun
Vỏ hạt Lựu 10g, hạt Cau 9g, lá Đinh lăng 10g, nước vừa đủ ngập thuốc. Sắc uống, một thang chia ba lần. Uống liên tục từ 3 – 5 ngày.


Chữa đái ra máu
Vỏ quả Lựu 10g, rễ Cỏ tranh 10g, rau Má 15g, râu Ngô 10g, Cỏ nhọ nồi 5g, nước vừa ngập thuốc. Sắc uống ngày 1 thang, chia ba lần; uống liên tục 3 ngày.


Chữa lị mạn tính không có mủ nhầy
Vỏ quả Lựu 10g, Đương quy 10g, Hoàng Bá 5g, A giao 10g, Hoàng liên 5g, Cam thảo 3g, Gừng sống 3g. Sắc uống ngày một thang, chia ba lần, uống liên tục từ 3 – 5 ngày.


Chữa són đái 
Vỏ cây Lựu cạo bỏ lớp vỏ ngoài, vỏ rễ Dâu, mỗi vị 20g, sắc uống. Phụ nữ có thai và trẻ em không nên dùng.


Chữa viêm kết tràng quá mẫn cảm
Triệu chứng: Sau khi ăn bị đau bụng muốn đi ngoài, sau khi đi bụng đỡ đau. Mỗi khi ăn uống lạnh, sinh lạnh thì phát.Bài thuốc: Vỏ Lựu 9g, Phòng phòng 9g, Bạch thược 6g, Bạch truật 9g, Đu đủ 6g, Tiêu lục khúc 12g, Trần bì 6g. Ngâm các vị thuốc 5 phút rồi đun khoảng 20 phút (còn khoảng 200ml). Ngày một thang, chia hai lần; 5 ngày là một liệu trình.


Chữa lị, tả lâu, tiêu ra máu, thoát giang
Vỏ Lựu tươi 100g phơi nắng giòn; Chế đại hoàng 50g, Hoàng liên 20g. Tất cả nghiền thành bột; uống ngày hai lần, mỗi lần 5 – 7g. Một tháng là một liệu trình.

Trịnh Thường Mại (CTQ số 71)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""