Giữa những ngày hè nóng nực, đang trong cơn khát, được thư thả uống một cốc nước mía vàng tươi nguyên chất ướp lạnh thì quả thật thú vị biết nhường nào ! Cái hương thơm tươi tươi và vị ngọt man mát cứ lưu mãi trong họng tạo nên cảm giác khoan khoái lâng lâng, khiến cho chúng ta quên hết đi những mệt nhọc của công việc và nỗi bức bối của tiết trời viêm nhiệt mùa hạ. Chẳng thế, mà ở các nước phương Đông, việc trồng mía, ăn mía, ép lấy nước uống và chế biến đường từ mía đã có một lịch sử lâu đời. Ngay trong sách cổ Sở từ . Chiêu hồn đã có ghi hai từ “giá tương” để nói đến thứ nước được ép ra từ mía. Tương truyền, ở Trung Hoa thời Tam Quốc Nguỵ Văn Đế Tào Phôi là người cực kỳ thích ăn mía, ngay cả khi họp bàn chính sự với các quần thần, Ông cũng vừa ăn mía vừa làm việc, khi bãi triều Tào Phôi thường có thói quen dùng một cây mía để làm gậy chống. Vương Duy, thi nhân nổi tiếng đời Đường, trong bài thơ vịnh cây Anh đào đã viết : “Bão thực bất tu sầu nội nhiệt, đại quan hoàn hữu giá tương hàn”, ý muốn nói quả Anh đào tính thuộc hoả nếu ăn nhiều thì sẽ phát sinh chứng hư nhiệt, nhưng có thể dùng nước mía tính lạnh để hoá giải. Hay như thi nhân Cố A Anh đời Nguyên cũng đã ca tụng bát nước mía ướp lạnh : “Giá tương ngọc uyển băng lãnh lãnh”.
Thông thường, để có một cốc nước mía chính hiệu và chất lượng, người ta chọn chừng 250g - 500g mía tươi, thân mập, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, dùng máy ép lấy nước cốt, đem ướp lạnh hoặc cho thêm một chút nước đá xay và một vài giọt nước quất tươi rồi uống. Trên thị trường hiện nay, nhiều cơ sở nước mía siêu sạch có dùng thêm nhiều loại hương vị khác như hương đào, hương ổi, hương chanh...nhưng phần lớn chỉ là hương liệu công nghiệp nên không thể thay thế hương quất thiên nhiên vừa thơm lại vừa có lợi cho sức khoẻ.
Theo dinh dưỡng học hiện đại, thành phần hoá học của mía khá phong phú, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt.., các vitamin như vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin D...Ngoài ra, còn có các axít hữu cơ và nhiều loại enzym. Trong đường mía có sucroza (chiếm 70 - 88% chất rắn hoà tan trong dịch mía), glucoza và fructoza.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía được gọi là cam giá, vu giá, thử giá, can giá, vu giá..., vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh Vị và Phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hoà trung hạ khí, lợi tiểu giải rượu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hoá, thường được dùng để chữa các chứng trạng bệnh lý như môi khô miệng khát, tân dịch bất túc (bệnh lý sốt cao gây mất nước), tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, phản vị ẩu thổ (chứng nôn mửa, ăn vào thì bụng đầy chướng, sáng ăn chiều mửa, chiều ăn sáng mửa, mửa ra thức ăn không tiêu hoá), sốt cao phiền nhiệt...Sách Tuỳ tức cư ẩm thực phổ viết : “Cam giá, trá tương danh vi thiên nhiên Phục mạch thang” (nước mía có giá trị như Phục mạch thang thiên nhiên), Phục mạch thang là một bài thuốc cổ được ghi trong sách Thương hàn luận, có công dụng bổ khí dưỡng huyết, tư âm phục mạch. Sách Bản thảo kinh sơ cũng viết : “Cam giá, , vi giá sắc chi hoá, kỳ vị tiên nhập tỳ, cố năng trợ tỳ khí, tỳ chủ trung châu, cố chủ hoà trung. Cam hàn trừ nhiệt nhuận táo, cố chủ hạ khí lợi đại tràng dã” (mía trước tiên nhập vào kinh tỳ, trợ giúp tỳ khí, vì tỳ chủ trung tiêu nên mía có thể hoà trung, vị ngọt tính lạnh mà trừ được nhiệt và nhuận táo khiến chi khí có thể hạ và có lợi cho đại tràng).
Về công dụng chữa trị chứng nhiệt của nước mía, sách Bản thảo thi thoại có ghi lại một câu chuyện thú vị : Vào đời Càn Long (Trung Quốc), ở huyện Lâm Hải, tỉnh Triết Giang có một vị quan lại bị mắc chứng bệnh khản giọng mất tiếng đã lâu, gia nhân phải đưa đến tận Tô Châu để mời danh y Diệp Thiên Sĩ chẩn trị. Sau khi quan sát, hỏi bệnh và xem mạch, Diệp Thiên Sĩ chắp tay bẩm rằng : “Thưa tiên sinh, bệnh của ngài nhiệt tà đã công tâm, thật khó có thể chữa trị, tôi khuyên ngài hãy mau mau về nhà đi thôi”. Vị quan nghe vậy lo lắng vô cùng, vội giục gia nhân nhanh chóng hồi gia để tránh cảnh “khách tử dị hương”. Trên đường trở về, nghe đồn ở Hoàng Nham có vị lương y Hạ Vân Dĩnh chuyên trị những chứng bệnh nan y, nhiều người đã chữa khỏi, vị quan thấy vậy lại bảo người đưa đến cầu cứu. Sau khi chẩn mạch, Hạ y sinh nói : “ Bệnh của tiên sinh cố nhiên là rất nặng, nhưng nếu cứ dùng nước mía mà uống cho thoả thích thì may ra có thể cứu được mệnh”. Bấy giờ đang là mùa thu hoạch mía, vị quan nọ mừng lắm, vội sai gia nhân mua thật nhiều mía về và hàng ngày ép lấy nước uống. Lạ thay, bệnh tình từ đó mỗi ngày một thuyên giảm và khỏi hẳn. Diệp Thiên Sĩ nghe được chuyện trong lòng vô cùng cảm phục Hạ Vân Dĩnh và sau đó tôn Ông là bậc thầy của mình.
Về công dụng giải rượu của nước mía, các thầy thuốc đời xưa và nhiều y thư cổ đã bàn đến với những kiến giả khá sâu sắc. Sách Bản thảo cương mục viết : “ Giá tương, chỉ ẩu uyết phản vị, khoan hung cách” (Nước mía cầm nôn oẹ, làm khoai khoái lồng ngực). Sách Tuỳ tức cư ẩm thực phổ viết : “Cam giá cam lãnh thanh nhiệt, hoà trung nhuận tràng, giải tửu tiết ưu, hoá đàm sung dịch” (mía ngọt mát thanh nhiệt, tốt cho tiêu hoá, nhuận tràng, giải rượu, trừ đàm và bổ sung dịch thể). Sách Nhật dụng bản thảo cũng viết : “Giá tương, chỉ hư nhiệt phiền khát, giải tửu đôc”. Lục Du Canh, thi nhân đời Tống đã cảm nhận sâu sắc công dụng giải rượu của nước mía trong câu thơ “Giá tương tức giải phá dư trình” (Nước mía có thể làm hết nhanh trạng thái say rượu bí tỉ).
Trong dân gian cũng lưu truyền rất nhiều kinh nghiệm dùng nước mía để chữa bệnh và bồi bổ sức khoẻ. Ví như, dùng nước mía có pha thêm một chút nước Gừng tươi để chữa chứng nôn mửa ; khi viêm kết mạc cấp tính nên uống nước mía có hoà lẫn nước sắc Hoàng liên để giúp chống viêm, tiêu sưng và giảm đau nhanh chóng ; với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết... nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm...
Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Vả lại, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía.
Hoàng Khánh Toàn (CTQ số 97)