LTS: Viêm gan- vàng da thuộc phạm vi chứng hoàng đản, hiếp thống của Đông y cổ truyền, tương đương viêm gan vi rút của y học hiện đại. Có triệu chứng lâm sàng chủ yếu là mệt mỏi, chán ăn, sợ mỡ, nôn hoặc buồn nôn, vùng gan đau hoặc đầy tức vùng thượng vị, nhiều bệnh nhân vàng da và sốt, gan to ấn đau kèm theo suy giảm chức năng gan…Đây là một bệnh lây lan phổ biến, trong khi y học hiện đại chưa có thuốc đặc trị, thì Đông y có nhiều bài thuốc kinh nghiệm điều trị khá hiệu quả. Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu lâm sàng điều trị viêm gan vàng da do DS.Phan Văn Chiêu sưu tập chủ yếu từ sách Trung dược đại từ điển (TDĐTĐ), xin giói thiệu để bạn đọc tham khảo.
CTQ.
Cam thảo trị viêm gan vàng da truyền nhiễm
Sử dụng dung dịch nước sắc Cam thảo 100% một lần dùng 15-20ml, trẻ em giảm liều, một ngày uống 3 lần. Đã điều trị 13 ca, trung bình 12,9 ngày hết vàng da, sau 9,2 ngày gan giảm sưng, sau 7,8 ngày hết đau vùng gan.
Qua thực tế lâm sàng cho thấy: Cam thảo có hoạt tính dược lý nhiều mặt, với tổn thương gan có tác dụng bảo vệ rõ rệt. Có thể giảm nhẹ biến tính cho tế bào gan và hoại tử, hồi phục trở lại đường nguyên và Ribonuclic acid trong tế bào gan, giảm nhẹ hoạt tính của Alamine Amino transferse trong huyết thanh. Trong Cam thảo có chất glycyrrhizin có tác dụng thúc đẩy tế bào gan tái sinh và có ức chế gan bị xơ hoá (xenluylô hoá), giảm tỷ lệ phát sinh xơ cứng gan. Viêm gan B các loại có thể dùng Cam thảo, căn cứ vào tác dụng giải được “trăm thứ độc” trong nhiều bài thuốc của Đông y đều có vị Cam thảo, chữa viêm gan B lại càng không thể thiếu Cam thảo.
Cam thảo tuy có ít độc tính, nhưng nếu quá lạm dùng liều lượng và dùng kéo dài có thể bị thuỷ thũng váng đầu, chân tay mất lực. Theo quan điểm của Đông y, các vị thuốc ngọt nhiều thường làm nê trệ, ảnh hưởng đến tiêu hoá. Sau khi ngừng thuốc có thể chỉ số Amino transferse tăng trở lại, trên lâm sàng cần chú ý đến đặc điểm này. (TDĐTĐ)
Cỏ seo gà trị viêm gan truyền nhiễm
Sử dụng dùng nước sắc Cỏ seo gà (Phượng vĩ thảo) 100% thêm đường hoà uống, người lớn mỗi ngày uống 100-150ml chia 2-3 lần uống trong ngày, uống liên tục 7 ngày. Đã điều trị 143 ca (có 1 ca tái phát) bệnh giảm 20 ca, còn lại đều lành bệnh, có thể phối hợp với vitamin B, C.(TDĐTĐ)
Vỏ rễ Sòi trị viêm gan truyền nhiễm
Sử dụng vỏ rễ Sòi (Ô cửu mộc căn bì) (Sapium sebiferum (L.) Roxb.) tươi (lớp vỏ thứ 2) 20-100g thêm nước sắc chia 3 lần uống trong ngày, trẻ em giảm liều. Đã điều trị 7 ca, thời gian điều trị trung bình là 14 ngày, các chứng trạng giảm nhanh chóng, thuốc không có phản ứng phụ.
Sách Cương mục viết: rễ Sòi tính trầm giáng, lợi thuỷ thông ruột mạnh hơn Đại kích, người khoẻ mạnh dùng rất hay, người suy nhược cấm dùng, không được uống nhiều tránh ngộ độc. (TDĐTĐ)
Ngũ vị tử trị viêm gan truyền nhiễm không vàng da
Dùng Ngũ vị tử tán bột mịn, người lớn mỗi lần uống 4g, trẻ em giảm liều, ngày uống 3 lần, một liệu trình 30 ngày, cũng có thể chế thành viên để dùng. Đã điều trị 102 ca, hiệu quả đạt 85,3%, trong đó lành bệnh đạt 76,4%. Đối với chứng can khí uất kết, can tỳ bất hoà và âm chứng đạt hiệu quả cao. Bột Ngũ vị tử có tác dụng hạ men gan nhanh, thích hợp với nhiều loại hình chứng, trong khi dùng thuốc không có phản ứng phụ. Loại men gan thấp (dưới 300 đơn vị) tỷ lệ lành bệnh đạt 84,2%, loại men gan trung bình (300-500 đơn vị) tỷ lệ lành bệnh 71,4-72%, ngày điều trị trung bình là 23,6 ngày và 25,2 ngày. Tuy nhiên, nếu sau khi lành bệnh ngừng thuốc sớm sẽ có hiện tượng tái phát. Do đó, thời gian điều trị bệnh dài hay ngắn tuỳ theo nguyên nhân bệnh. Nguyên tắc chung là sau khi men hạ xuống bình thường cần dùng thêm 2-4 tuẩn để củng cố. Một số ít bệnh nhân sau khi men hạ xuống ổn định hoặc hiệu quả không rõ ràng phải tăng liều lượng nâng cao hiệu quả điều trị.
Ngũ vị tử tác dụng đối với quá trình chuyển hoá đường làm tăng dị hoá đường nguyên của gan, làm tăng quá trình phốt pho hoá của đường quả và glucoza đối với gan, não và tổ chức da thịt, nâng cao lượng đường trong máu. Ngoài ra, cũng có báo cáo cho rằng Ngũ vị tử không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Đối với mức độ tiêu hao oxy và các chức năng gan, não, thận, hô hấp có nhiều quan điểm khác nhau, như mức độ tiêu hao oxy có tác giả cho rằng tăng thêm, cũng có người quan niệm giảm thấp. Ngũ vị tử tác dụng làm tăng hấp thu dinh dưỡng của ruột và dạ dày, làm tăng quá trình tích luỹ năng lượng của tim, gan thận, tỳ... Thí nghiệm trên thỏ, Ngũ vị tử cải thiện năng lực sử dụng đường glucoza, làm teo co tuyến ngực chuột non, tăng năng lực hoạt động của tuyến thượng thận.(TDĐTĐ)
Thiên danh tinh trị viêm gan vàng da cấp tính truyền nhiễm
Sử dụng Thiên danh tinh (Carpesium abrotanoides L.) tươi (thân cành lá) 30-160g, Gừng tươi 8g, thêm 1.000ml nước sắc 2 lần, cô lại còn 300ml, uống lúc bụng đói trong ngày, kiêng thực phẩm chua, cay, béo, nước đá, bia rượu. Đã điều trị 10 ca, sau khi uống thuốc 9 - 41 thang, trung bình 20 thang lành bệnh 9 ca, 1 ca chuyển biến tốt. Sau khi dùng thuốc tiểu tiện nhiều, các chứng trạng cải thiện. Bình quân sau 15,4 ngày chỉ số vàng da hạ 7 đơn vị trở xuống, sau 19,4 ngày men gan hạ xuống bình thường, sau 11 ngày hết các triệu chứng gan lách co nhỏ lại, điểm đau giảm. Trong quá trình uống thuốc không xảy ra phản ứng phụ. (TDĐTĐ)
Tiểu kế trị viêm gan truyền nhiễm
Dùng rễ Tiểu kế 16-40g sắc lấy nước thêm đường hoà uống ngày 2-3 lần, một liệu trình 30 ngày, hoặc 7-10 ngày. Đãđiều trị 221 ca viêm gan không vàng da và vàng da đạt hiệu quả 78%. (TDĐTĐ)
(Còn nữa)
Phan Văn Chiêu (CTQ số 98)