Cây chân chim còn có các tên gọi khác cây lá đắng, sâm Nam, ngũ gia bì chân chim, là một loài cây gỗ rừng xanh, thuộc họ Nhân sâm - ARALIACEAE, với tên khoa học Schefflera octophylla. Cây thường mọc hoang ở ven rừng, đồi núi, chân núi, sườn đồi từ các tỉnh miền Bắc vào đến miền Trung.
Từ lâu trong dân gian, cây chân chim để điều trị các bệnh mạn tính ở người cao tuổi, bồi dưỡng sức khỏe, trị đau nhức xương khớp cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Hiện nay nạn phá rừng, chặt cây lấy gỗ làm củi, làm nương rẫy cũng đã xóa đi hàng trăm ha cây thuốc quý này.
Theo Viện Dược liệu Việt Nam, cây chân chim có tác dụng bổ, chống viêm, lợi tiểu; chữa phong thấp, đau lưng, nhức xương, tê bại, trí nhớ kém, viêm, ngứa âm hộ, liệt dương, tiêu hóa kém, còi xương trẻ em, phù thũng, bí tiểu tiện, lở ngứa... Trong Đông y, cây chân chim là một vị thuốc quý có tác dụng làm mạnh gân cốt, chống suy nhược thần kinh, tăng sức đề kháng, tăng cường trí nhớ, trừ phong, chữa đau nhức xương khớp, đau bụng, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt...
Bộ phận thường dùng làm thuốc là vỏ thân và rễ. Rễ đào về rửa sạch đất cát, thái mỏng, thân bóc lấy vỏ, phơi hay sấy khô. Khi dùng làm ẩm dược liệu rồi ủ cho đến khi có mùi thơm (khoảng 7 ngày) cắt thành miếng nhỏ, để sống hoặc tẩm rượu hay nước gừng sao qua. Ở một số nơi, nhân dân sử dụng lá chân chim như một loại gia vị cho vào canh. Canh lá chân chim ăn mát, giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, nhuận gan.
Theo Đông y, vỏ cây chân chim làm thuốc được dùng chữa suy nhược, thấp khớp, lưng gối đau mỏi, đàn ông dương sự kém, đàn bà âm suy, trẻ em chậm biết đi. Dược liệu có vị đắng, chát, mùi thơm nhẹ, tính mát, được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa cước khí chân sưng đau: Vỏ cây chân chim, lõi cây thông, hạt cau, hương phụ, hạt tía tô, chỉ xác, ké đầu ngựa, mỗi vị 8-16g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml uống 2 lần trong ngày.
Chữa tê thấp: Vỏ cây chân chim 2kg, vỏ cây gạo 1kg, dây đau xương 1kg, thân cây bọt ếch 1kg. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, nấu với nước, lấy 200ml cao lỏng. Hòa 200ml rượu và 100ml sirô vào cao để được nửa lít thành phẩm. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20-25ml.
Chữa thiếu máu xanh xao, ăn uống kém: cao vỏ chân chim 0,05g, cao kim anh 0,05g, oxalat sắt 0,05, sunfat đồng 0,005g, sunfat magiê 0,002, cho 1 viên. Ngày uống 2 lần mỗi lần 2-3 viên.
Chữa suy nhược cơ thể, lao lực, sau khi ốm dậy: Cao vỏ chân chim 0,05g, cao ban long 0,02g, mật ong 0,02g, photphat canxi 0,07g cho 1 viên. Ngày uống 2-3 lần. Người lớn mỗi lần 3-4 viên, trẻ em tùy theo tuổi 2-3 viên.
Chữa suy nhược thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, đau dây thần kinh, đau lưng, đau vai gáy ( viên Hy đan): Bột mịn vỏ chân chim 0,035g, cao vỏ chân chim 0,005g, cao đặc hy thiêm 0,03g, bột mịn mã tiền chế 0,013g cho 1 viên. Liều tối đa an toàn là 30 viên/ lần, 80 viên/ ngày.
Thuốc dùng ngoài: Vỏ hoặc lá chân chim 30g phối hợp với lá dâu tằm 30g, lá mía tía 20g, củ nghệ đen 20g. Tất cả để tươi, rửa sạch, giã nát, tẩm rượu 30 độ cho xâm xấp, xào nóng, đắp băng và cố định bằng nẹp tre, chữa gãy xương.
DS. Nguyễn Thị Hồng