TINH HOA XANH

Những cây thuốc Dấu và thuốc Giấu

Thoạt nghe, thoạt nhìn những cây “thuốc Dấu” và “thuốc Giấu”, nhiều người nhầm tưởng là một, thực ra, chúng hoàn toàn khác nhau về mặt thực vật, cho đến tác dụng và công dụng.

“Thuốc Dấu” có nhiều loại, đa phần dùng đắp, bó trị mụn nhọt, lở loét, hoặc cầm máu, do sang chấn. Còn “thuốc giấu” là giấu kín, giữ bí mật về loài cây thuốc nào đó.

Thuốc dấu còn gọi Hồng tước san hô [Pedilanthus  tithymaloides (L.)Poit.], họ Thầu dầu (EUPHORBIACEAE)

Cây có chiều cao thân đến 1m, có nhựa mủ trắng như sữa. Cành vặn vẹo, mọc thẳng đứng. Lá hình trứng, mọc so le, thành 2 dãy đều nhau. Hoa màu đỏ, mọc ở ngọn. Thường ra hoa vào tháng 4-5 và tháng 8-9.

Thuốc Dấu vừa làm cảnh vừa làm thuốc, được trồng ở hầu khắp mọi nơi trong nước. Thuốc Dấu thường dùng tươi (lá, hoặc toàn cây), thu hái quanh năm. Thuốc Dấu vị chua, hơi chát, tính hàn, có độc. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu thũng, chỉ huyết sinh cơ. Dùng trị chấn thương do ngã, ngoại thương chảy máu, hoặc mụn nhọt, đinh độc, lở ngứa; hoặc vết cắn của rết, côn trùng..., còn dùng để trị viêm kết mạc mắt, viêm da có mủ. Dùng ngoài, thường dùng lá tươi, hoặc nhựa cây, đắp bó, bôi vào nơi bị tổn thương. Hoặc dùng trong bằng cách lấy lá đã phơi khô, sao vàng hãm uống, liều 4- 6g.

Thuốc Dấu cà doong còn gọi là thuốc Thượng (Phaeanthus vietnamensis Ban.), họ Na (ANNONACEAE)

Cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi, cao chừng 2-10m. Cành non, gần như không lông. Lá thuôn hoặc gần hình mác, dài 9-16cm, rộng 3-7cm. Đầu lá nhọn, gốc lá hình nêm, hơi lệch. Hoa mọc so le với lá, thành xim màu vàng, hoa có cuống dài 1,5-3cm. Mùa hoa từ tháng 5-12. Quả hình trái xoan, khi chín màu vàng, sau chuyển thành màu mận chín. Thuốc dấu cà doong phổ biến ở Thừa Thiên Huế,  Quảng Nam... Bộ phận dùng là lá, vỏ thân, vỏ rễ. Dân gian dùng lá non trị đau mắt. Vỏ rễ, vỏ thân và lá đem nấu cao dán mụn nhọt sưng tấy. Hoặc cao đặc chế từ lá chữa bệnh tiêu chảy.

Thuốc dấu Kunth, còn gọi là Đa kim thông thường [Ptyssiglottis kunthiana  (Nees) B. Hansen], họ Ô rô (ACANTHACEAE)

Là loại cây thảo có lông, thân nằm, sau đứng. Lá có phiến xoan hay hình mác, không lông, dài 2-5cm, rộng 1-3cm. Hoa ở nách lá, hay ở ngọn cây, màu trắng. Quả nang. Cây mọc trên núi đá vôi. Cây phổ biến ở vùng núi Hòa Bình. Người ta dùng lá cây thuốc dấu Kunth để làm thuốc đắp, bó, trị đau vùng tim, mụn nhọt, lở loét, bằng cách lấy lá non, thêm chút muối ăn, giã nát, rồi đắp, bó vào nơi bị bệnh.

Thuốc giấu

Là tên một cây thuốc của đồng bào tộc Xê - Đăng, thuộc tỉnh Kon Tum, nay được gọi là Sâm Việt Nam (Panax Vietnamensis  Ha et Grushv), họ Nhân sâm (ARALIACEAE). Là cây thuốc quý, nên đồng bào dân tộc từ xưa tự bảo nhau phải “giấu” để dùng khi bị đau ốm. Về mặt hóa học, thân rễ và rễ của sâm Việt Nam chứa 49 hợp chất saponin; 7 hợp chất polyacetylen được phân lập; các acid béo: acid palmitic, oleic,… và 18 acid amin: tryptophan, lysin, arginin,...; các  nguyên tố vi lượng: K, Ca, Mg, Fe, Mn, Zn...; các hợp chất sterol: beta-sitosterol, daucosteron...; các hợp chất glucid: đường tự do, đường toàn phần...

Về  tác dụng sinh học, rễ và thân rễ của sâm Việt Nam có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, liều thấp có tác dụng kích thích thần kinh, tăng hoạt động vận động, tăng trí nhớ, liều cao có tác dụng ức chế. Tác dụng chống trầm cảm ở chuột nhắt trắng. Tác dụng tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, giúp phục hồi sức lực, trong thực nghiệm chuột bơi. Tác dụng tăng thích ứng với điều kiện nhiệt độ 37 - 42 độ C và lạnh ở âm 5 độ C. Có tác dụng chống ôxy hóa tốt, tác dụng hồi phục số lượng hồng cầu và bạch cầu; tác dụng kích thích miễn dịch, làm tăng chỉ số thực bào trong thí nghiệm.

Theo YHCT, sâm Việt Nam có vị đắng, ngọt. Quy vào 2 kinh phế, tỳ. Công năng bổ khí, bổ phế. Dùng  khi cơ thể suy nhược, biểu hiện mệt mỏi do chân khí suy kiệt, ăn, uống, tiêu hóa kém. Hoặc dùng  khi khí phế hư nhược, hô hấp kém, khó thở; viêm họng, đau họng. Ngày dùng 6-10g, hãm hoặc sắc uống. Cũng có khi tán bột, uống với liều như trên. Nếu thể tạng hư, hàn, tức người có cảm giác lạnh và yếu mệt, xanh xao, nên đem sâm việt Nam chích với gừng tươi.

Đã 40 năm từ ngày phát hiện ra sâm Ngọc Linh, ngày nay là sâm Việt Nam, với rất nhiều đặc tính quý báu về mặt hóa học, dược lý, trồng trọt, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc, song về mặt bào chế vẫn chưa có những sản phẩm mang tính đặc hữu cho sâm Việt Nam. Mặt khác, việc theo dõi về tác dụng lâm sàng thì cũng còn rất nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với một cây “thuốc giấu” như sâm Việt Nam.

GS.TS. PHẠM XUÂN SINH

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""