Đông y xem Quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: Sâm, Nhung, Quế, Phụ. Còn y học phương Tây trước đây chỉ quan tâm đến tinh dầu Quế và dùng Quế làm hương liệu. Gần đây, người ta đã phát hiện trong bột Quế còn có một chất có tác dụng hạ đường huyết, là một chứng minh kinh nghiệm của y học phương Đông dùng quế chữa tiêu khát.
Việt Nam là một trong những nước trồng nhiều Quế, hàng năm xuất khẩu hàng trăm tấn Quế vỏ và hàng chục tấn tinh dầu Quế. Thời phong kiến, Quế tốt nhất là ở vùng Thanh Hoá, dành để tiến vua và triều cống các vương triều Trung Hoa., còn được gọi là Quan quế, Ngọc quế.
Chất lượng Quế phụ thuộc vào một số yếu tố:
Địa phương cây mọc: Xã Trịnh Vạn, huyện Thường Xuân, (Thanh Hoá), Quỳ Châu, (Nghệ An) và Trà My (Quảng Nam).
Loài quế: C.loureirii Nees rồi đến C. Zeylanicum Nees
Tuổi cây khi thu hoạch: Trên 15 năm là Quế tốt, trên 30 năm là đặc biệt.
Vị trí vỏ trên cây: Vỏ thân từ vị trí 1,2m đến cành đầu tiên là tốt nhất, hướng Đông là đặc biệt. Cách mặt đất 20 cm đến 1,2 m gọi là Quế Thượng châu. Vỏ cành to gọi là Quế Thượng biểu; vỏ cành nhỏ gọi là Quế chi.
Độ dày của vỏ: Nhục quế (vỏ thân, vỏ cành to). Có 4 loại, trong đó loại đặc biệt: dày trên 6mm, có khi tới 10mm, có 2 lớp dầu gọi là lưỡng chỉ phân du, màu nâu đen, dày trên 2mm.
Độ tuổi của cây từ 8-30 năm (C. Cassia Nees et Bl). Kết quả cho thấy: Cây 30 năm cho tỷ lệ tinh dầu cao nhất. Tuổi cây khai thác kinh tế nhất với loài C. Cassia Nees et Bl là 14 năm. Tỷ lệ tinh dầu ở vỏ cành con đạt 99% so với cây 30 năm. Tinh dầu ở lá đạt 71% (tính theo nguyên liệu khô kiệt)..
Quế là một trong những gia vị có tuổi đời hàng nghìn năm, xứng đáng là một loại thực phẩm chức năng cần được thừa kế nghiêm túc. Trong y học cổ truyền phương Đông, Quế được sử dụng trong các bài thuốc, thức ăn chữa cảm lạnh, chướng bụng đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng kinh. Tác dụng tiếp thêm năng lượng, sức sống cũng làm cho Quế trở nên nổi tiếng. Quế còn có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu và hâm nóng cơ thể. Và gần đây Quế được dùng hỗ trợ cai thuốc lá cùng một số gia vị khác như Gừng, Nghệ, Húng láng, hoa Cúc, Chanh quả v.v...
Ở đây, dùng Quế làm gia vị, cho nên chỉ cần biết dược tính của Quế chi trong Đông y. Quế chi là vỏ của cành nhỏ cây Quế nói chung. Quế chi tính ấm, vị cay hơi ngọt, không độc. Quế chi làm thông kinh mạch, ấm cơ thể, trừ độc khí bên ngoài xâm nhập, chữa cảm gió đổ mồ hôi, nhức đầu, đau mình, đau nhức các khớp xương, gân cơ.
Quế chi hợp với Táo tàu, Cam thảo, sắc uống tăng cường sức đề kháng, điều hoà giao lưu các mảng mỡ bảo vệ cơ thể và nội tạng. Quế chi hợp với Thược dược, Cam thảo sắc uống, bồi bổ tân dịch, đánh tan khí độc, gió độc. Quế chi hợp với rễ Thược dược, Cam thảo, Táo tàu, Gừng sống, sắc uống, chữa nhức đầu, nóng đổ mồ hôi, sợ gió. Tạo hương vị dễ chịu độc đáo cho món ăn.
Quế có hương vị ngọt, cay và mùi thơm đặc trưng đồng thời là nguồn cung cấp các khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, kẽm và magiê. Nó chứa một lượng cao vitamin A, niacin, axit pantothenic và pyridoxine. Quế còn chứa chất xơ và chất chống oxy hoá.
Giảm cholesterol xấu: Các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần thêm nửa thìa bột Quế có thể giúp hạ thấp cholesterol xấu, hỗ trợ sức khoẻ tim mạch.
Tác dụng chống đông máu.
Giảm viêm: Với một thìa bột Quế mỗi ngày có thể giúp giảm viêm khớp, giảm đau và sưng tấy.
Hỗ trợ tiêu hoá: Quế giúp giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn. Lượng chất xơ cao trong Quế có thể trợ giúp cho những người bị hội chứng ruột kích thích.
Làm ấm cơ thể: Vào mùa đông, khi thêm Quế vào chế độ ăn uống giúp bạn tăng nhiệt độ cơ thể để chống lại cái giá lạnh của thời tiết.
Tăng trí nhớ: Quế giúp tăng trí nhớ và khả năng nhận thức của não bộ.
Giảm đau khớp: Uống dung dịch 1/2 thìa cà phê Quế pha với 1 thìa cà phê mật ong vào buổi sáng có thể cắt cơn đau khớp ngay sau một tuần.
Kìm hãm vi khuẩn phát triển: Các nhà khoa học Mỹ thuộc Kansas State University khẳng định, Quế có tác dụng tiêu diệt khuẩn E.coli, Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ban đầu và nghiên cứu trên cơ thể động vật cho thấy quế có thể phát huy tác dụng chống vi trùng và chống nấm. Quế trộn vào thực phẩm sẽ kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và tốc độ ôi thiu sản phẩm, phát huy tác dụng như chất bảo quản tự nhiên, không độc hại.
Trị mụn trứng cá: Dầu và vỏ Quế là hợp chất cực mạnh chống lại mụn trứng cá. Chúng phát huy tác dụng loại bỏ mụn nước, làm sáng da, ngăn ngừa mụn lan rộng.
Điều chỉnh nồng độ đường trong máu, tính chất đặc biệt có ý nghĩa đối với những người bị bệnh tiểu đường. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về đề tài này đã được công bố năm 2003 trên nhật báo y học “Daibetes Care” với sự tham gia của 60 người mắc bệnh tiểu đường dạng típ 2. Mỗi ngày uống 1,3g quế dạng viên nén (tương đương 1/4 thìa cà phê) đã cho kết quả khá ổn định.
Hỗ trợ chống ung thư: Có thể ngăn chặn nguy cơ ung thư ruột kết. Theo kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học Mỹ thuộc US Department of Agriculture, bang Maryland công bố, Quế có thể giảm thiểu sự lây lan của các tế bào ung thư.
Giúp cai thuốc lá: Bất cứ khi nào thèm thuốc lá, hãy lấy một mảnh Quế chi và nhai trực tiếp hoặc uống trà Quế để giảm cơn thèm thuốc.
Kỵ: Phụ nữ có thai và những người có tính nhiệt không nên dùng Quế. Khi dùng Quế thì phải kiêng hành, hoặc dùng hành kiêng Quế.
Lưu ý: Trừ khi có chỉ định và giám sát của bác sĩ, những người đang dùng thuốc trị đái tháo đường, hoặc biệt dược tác động lên nồng độ glucoza trong máu, hoặc nồng độ insulin, không nên áp dụng Quế theo liều điều trị.
BS. Phó Thuần Hương (sưu tầm)