Vừa qua có dịp vào làm việc tại công trình thuỷ lợi hồ Sông Sắt (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Tôi nghe đồng bào Raglai nói trong rừng Bác ái có rất nhiều cây Sâm nam. Tò mò, tôi theo đồng bào đi xuyên rừng đến chỗ bãi Sâm. Mãi sau này, khi ra ngoài Bắc, qua trao đổi với anh bạn làm ở khoa Đông y (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam) và tham khảo cuốn “Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, tôi mới biết đích xác loại Sâm này là “Sâm bố chính”.
Bố chính có nguồn gốc ở Bố Trạch (Quảng Bình) dùng cây này làm thuốc có tác dụng như Sâm (nên có tên là Sâm bố chính), là một cây thân thảo mọc hoang dại, yếu ớt, củ giống hình người vì vậy có người nhầm là Nhân sâm. Lá ở phía gốc hình xoan, phía cuối hình mũi trên đầu phiến không nhọn, mặt lá có lông. Hoa màu đỏ phớt hồng, mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống hoa dài 5 - 8cm, có 5 cánh dài 5 - 6 cm. Quả hình trứng nhọn, khi chín nứt thành 5 mảnh, vỏ hạt hình thận màu nâu.
Điều đặc biệt khi mang ra Hà Nam (miền Bắc) trồng, cây phát triển rất mạnh vào mùa hè, cây không cao (khoảng 1 mét ở miền Nam) lá không vàng mà tốt và mượt, nằm xum xuê sát đất. Hoa hồng tươi rất đẹp, quả rất đậu và mẩy, hạt chỉ nảy mầm vào mùa hè còn các mùa khác hạt không thể nảy mầm mặc dù vỏ rất mỏng.. Củ ở đất mới lớn rất nhanh, màu trắng. Có thể ươm và phát triển thành vườn Sâm bố chính bên dưới cây ăn quả vì cây này không tốn diện tích. Có thể trồng vào chậu làm cảnh vì hoa rất đẹp và xum xuê, chỉ nở khi có ánh nắng mặt trời.
Theo cuốn “Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi thì Sâm bố chính kết hợp với các vị thuốc khác chữa được các chứng: Ho, nóng sốt trong người khô, táo, khát nước, rất bổ và tốt cho người gầy, yếu.
Đoàn Đình Đề (CTQ số 88)