Trong mười năm gần đây, từ kết quả của những nghiên cứu hiện đại, các nhà khoa học ngày càng nhận thấy sơn tra có tác dụng dược lý khá phong phú như:
- Nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa: thúc đẩy bài tiết dịch vị và dịch mật, gia tăng hoạt tính của các men tiêu hóa như amylolytic enzyme, lipolytic enzyme…, điều tiết sự co bóp của cơ trơn dạ dày và ruột.
- Ức chế một số vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, coli, than, bạch hầu, thương hàn, mủ xanh và tụ cầu vàng; sơn tra sao đen có khả năng hấp thụ các chất hoại tử và độc tố của vi khuẩn, làm giảm kích ứng thành ruột và làm giảm nhu động ruột nhờ đó mà có tác dụng giảm đau, chỉ lỵ và cầm đi lỏng.
- Hạ mỡ máu, đặc biệt là cholesterol, ức chế sự lắng động của chất mỡ ở thành mạch, vì thế có tác dụng dự phòng tích cực quá trình tiến triển của bệnh xơ vữa động mạch.
- Hạ huyết áp, làm giãn và gia tăng lưu lượng động mạch vành tim, giảm thấp lượng oxy tiêu thụ của cơ tim, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ tim mạch và phòng chống hữu hiệu các bệnh lý thuộc động mạch vành.
- Chống ngưng tập tiểu cầu.
- Tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.
- Làm giãn phế quản, thúc đẩy hoạt động của hệ vi nhung mao ở thành phế quản nhờ đó mà có tác dụng hoá đờm bình suyễn.
- Điều hòa kinh nguyệt, giảm đau và làm cho tử cung hồi phục nhanh sau khi sinh nở.
- Trấn tĩnh, an thần.
- Chống oxy hóa, bảo hộ tế bào gan.
- Phòng chống ung thư.
Công dụng và liều dùng
Hiện nay đông y và tây y dùng Sơn tra với hai mục đích khác nhau. Tây y coi Sơn tra (hoa, quả, lá) là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên tuần hoàn (tim và mạch máu) và giảm đau, an thần.
Đông y coi Sơn tra là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên bộ máy tiêu hóa.
Theo tài liệu cổ, Sơn tra có vị chua, ngọt, tính ôn vào 3 kinh tỳ, vị và can, tiêu được các thứ thịt tích trong bụng. Tuy nhiên, trong các tài liệu cổ, ghi về Sơn tra còn nói thêm là sơn tra phá được khí, hành ứ, hóa đờm, giải được độc cá, lở sơn, chữa tả lỵ, trị tích khối, huyết khối, giảm đau, đồng thời ghi chú: “ăn nhiều Sơn tra hao khí hại răng, những người gầy còm, có chứng hư chớ ăn...”.
Liều dùng trong Đông y: Ngày uống 3-10g dưới dạng thuốc sắc, uống một vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Tây y dùng dưới dạng cao lỏng (ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 20 đến 30 giọt) để chữa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp và giảm đau.
Đơn thuốc có dùng Sơn tra trong đông y:
1. Chữa ăn uống không tiêu: Sơn tra 10g, Chỉ thực 6g, Trần bì 5g, Hoàng liên 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
2. Chữa hóc xương cá: Sơn tra 15g, sắc đặc với 200ml nước, ngậm một lúc lâu rồi nuốt.
3. Chữa ghẻ lở, lở sơn: nấu nước Sơn tra tắm rửa.
4. Trị tắt kinh do ứ huyết hoặc sau sinh bụng đau do ứ trệ dùng: Sơn tra 30g sắc bỏ xác cho trộn 25g đường mía uống. Kinh nghiệm của Chu Đan Khê chỉ dùng độc vị sSơn tra, trường hợp đau kinh, sau sinh đau bụng, nước ối ra không dứt có thể gia thêm Đương quy, Xuyên khung, Ích mẫu thảo. Trường hợp sán khí (sa ruột) bụng đau căng tức, có thể cùng dùng với Hồi hương, Quất hạch.
5. Trị kiết lỵ cấp, viêm đại tràng cấp: Sơn tra 60g sao cháy nhẹ gia 30g rượu trắng trộn đều sao lại cho khô rượu, cho nước đun trong 15 phút (cho 200ml nước) bỏ xác cho đường đỏ 60g sắc sôi, uống lúc thuốc còn nóng ngày 1 thang. Hoặc bài thuốc: sơn tra sao cháy 120g, Hoa đậu ván trắng 30g, ngày 1 thang sắc uống trị lỵ cấp và viêm đại tràng.
Sơn tra 30g, sắc nước cho vào đường mía 30g, lá Trà nhỏ vào nước thuốc sôi nóng khuấy đều 30 phút, uống trị lỵ mới bắt đầu.
6. Lipid máu cao: Sơn tra, Mạch nha cô chế thành dạng trà, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 gói 30g, mỗi liệu trình 2 tuần.
7. Trị cơn đau thắt tim, bệnh mạch vành: tác giả dùng chiết xuất lá Sơn tra chế thành viên, mỗi viên 25mg, mỗi lần uống 4 viên, ngày 3 lần, một liệu trình 4 tuần.
8. Trị viêm thận bể thận: mỗi ngày dùng Sơn tra sống 100g sắc với nước lạnh sôi trong 15 - 20 phút, sắc 3 lần, mỗi lần 500ml (lượng người lớn, trẻ em dùng 1/3 lượng người lớn), một liệu trình 14 ngày
9. Trị nấc cụt: uống nước sắc Sơn tra sống, người lớn mỗi lần 15ml, ngày 3 lần.
10. Trị polip thanh đới: mỗi ngày dùng lượng tiêu Sơn tra 24 - 30g sắc 2 lần được 1.500ml nước thuốc, để nguội từ từ uống hết.
BS.CKII.HUỲNH TẤN VŨ