TINH HOA XANH

Trồng Diệp hạ châu đắng trên đất cát pha ven biển

Cây Diệp hạ châu đắng hay còn gọi là Chó đẻ răng cưa, Chó đẻ thân xanh, có tên khoa học là Phyllanthus amarus Schum. et Thonn., thuộc họ Thầu dầu EUPHORBIACEAE
Diệp hạ châu đắng là loại cây thảo, sống 1 năm; thân mọc thẳng, cao 40 – 70 cm, phân cành ít. Lá kép lông chim, mọc so le; hoa và quả mọc ở dưới lá. Trong tự nhiên, cây thường mọc trên đất ẩm ở ven đồi, trên nương rẫy, bãi hoang hay ven đường đi và quanh làng bản, ở cả miền núi lẫn trung du đồng bằng.
Theo kinh nghiệm của nhân dân, lá Diệp hạ châu đắng dùng làm thuốc chữa bệnh gan, ăn uống khó tiêu, bí tiểu tiện… Kết quả nghiên cứu về thành phần hoá học đã xác định trong lá của Diệp hạ châu đắng có chứa nhiều nhóm hoạt chất. Trong đó, đáng chú ý có hợp chất hypophyllanthin, phyllantin… là các lignan có tác dụng ức chế DNA polymerase của virut viêm gan B và các chủng virut khác. Từ những kết quả nghiên cứu này, nhiều hãng dược phẩm trên thế giới và trong nước đã chế tạo ra một số dạng thuốc từ Diệp hạ châu đắng để chữa bệnh viêm gan và bảo vệ gan.
Để chủ động về nguyên liệu làm thuốc, ngay từ năm 2000, Trung tâm Bảo tồn và phát triển Dược liệu miền Trung đã nghiên cứu trồng thành công cây Diệp hạ châu đắng trên đất pha cát và đất bạc màu gò đồi ở vùng ven biển. Vài năm trở lại đây, cây thuốc này đã được đưa vào sản xuất mỗi năm tới vài chục hecta để xuất khẩu, mang lại một nguồn thu đáng kể cho một bộ phận bà con nông dân ở tỉnh Phú Yên.
Sau đây là tóm tắt quy trình trồng cây Diệp hạ châu đắng trên đất pha cát và đất bạc màu gò đồi ở vùng ven biển miền Trung.
Đặc điểm sinh thái cây trồng
Diệp hạ châu đắng là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Cây sống được trên nhiều loại đất (đất bazan, đất pha cát, đất cát, đất phù sa…) pH từ 5,0 đến 6,5. Biên độ nhiệt thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển là 25 - 300C. Cây ra hoa quả nhiều, tái sinh tốt từ hạt; vòng đời kéo dài 3 - 5 tháng.
Kỹ thuật trồng
Thời vụ: Gieo hạt ở vườn ươm: tháng 1 - 2 ; trồng cây con: tháng 2 - 3; thu hoạch: tháng 4 - 5 (sau khi trồng 45 - 50 ngày). Nhìn chung, thời vụ trồng Diệp hạ châu đắng kéo dài trong cả mùa khô, tận dụng trời nắng để phơi.
Gieo hạt và chăm sóc cây con.
Gieo hạt ở vườn ươm sau nhổ cây con đi trồng. Đất vườn ươm được cày bừa kỹ, vơ hết cỏ, bón lót phân quy ra 1 ha: phân chuồng 30 tấn; phân vi sinh 10 tấn; vôi bột 500kg. Đất vườn ươm lên luống rộng 1m, cao 20–25 cm. Lượng hạt gieo 3g/m2. Trước khi gieo cần xử lý bằng atonic với tỷ lệ 1 gói atonic 10 gam pha với 40 lít nước cho 8 kg hạt giống. Hạt ngâm trong dung dịch này 4 giờ, sau vớt ra để ráo nước, trộn với cát ẩm ủ 3 - 4 ngày cho đến khi thấy nứt nanh thì đem gieo.
Gieo vãi đều trên mặt luống, xoa nhẹ mặt luống cho lấp hạt, phủ bằng rơm rạ băm nhỏ, tưới nước ngay.
Đề phòng kiến ăn hạt, sau khi gieo cần phun thuốc basudin (theo liều lượng được nhà sản xuất ghi trên bao bì)
Hạt Diệp hạ châu đắng sẽ mọc sau 5 - 7 ngày. Khi cây con có 3 - 4 lá thật cần tỉa bỏ những cây yếu, chỉ để lại mật độ 2 x 2 cm/cây. Quá trình chăm sóc cây con ở vườn ươm đơn giản, luôn tưới nước cho đất ẩm, sau 20 - 25 ngày nhổ đi trồng. Lúc này cây giống cao 8 - 10 cm, thân mập, có bộ rễ phát triển.
Cấy cây con và chăm sóc trên đồng ruộng
Làm đất: Diệp hạ châu đắng được trồng trên đất pha cát hay cát pha và đất bạc màu vùng ven biển, nên được cày bừa kỹ, loại trừ hết cỏ dại. Lượng phân chồng, phân vi sinh bón lót tương tự như ở vườn ươm. Nếu đất chua có pH dưới 5, cần bón lót tới 1 tấn vôi bột/ ha. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, đất trồng Diệp hạ châu đắng cần lên luống rộng 1-1,5 m, cao 20–25 cm.
Trồng cây con: Dùng que chọc lỗ sâu 5–7 cm, đặt cây con vào và lèn chặt gốc. Cự ly trồng 10x10 cm/cây. Nên trồng vào cuối buổi chiều mát, cây sẽ nhanh hồi phục qua đêm.
Chăm sóc: Cây trồng xong, tưới nước ngay; sau 3 ngày dùng dung dịch atonic 0,1% (1 gói 10 gam pha với 10 lít nước) phun vào luống cho cây mau bén rễ; sau 7 ngày xới đất phá váng lần 1; sau 10 ngày phun dung dịch atonic lần 2, cây trồng cần làm cỏ và xới đất 1 lần nữa trước khi tán lá giao nhau.
Do trồng vào mùa khô nên thường xuyên phải tưới nước. Thời gian tưới tốt nhất là lúc chiều tối hoặc trước 9 giờ sáng.
Thu hoạch và chế biến sau thu hoạch
Thu hoạch: Sau khi trồng khoảng 45-50 ngày, cây Diệp hạ châu đắng cao 60-70 cm. Lấy liềm cắt phần thân mang cành lá (cách mặt đất khoảng 4-5 cm); bó thành từng bó 3-5 kg; sau đó được vận chuyển ngay đến nơi chế biến (dược liệu tươi không để quá 4 giờ). Năng suất đạt 10 - 12 tấn tươi/ha/vụ. Một năm có thể trồng 2 vụ, tương đương 20 - 25 triệu đồng/ ha.
Chế biến sau thu hoạch và đóng gói: Diệp hạ châu đắng được phơi trên sân xi măng 2 - 3 nắng, có thể rũ lấy lá khô (do thu hoạch trong mùa khô, ở miền Trung nắng nhiều nên không phải sấy).
Dược liệu khô là lá vẫn còn màu xanh và không lẫn tạp chất.
Đóng gói:
Dùng máy ép, ép từ 30–50kg/khối, đóng trong bao nilon, ngoài bao tải để xuất khẩu hoặc cung cấp cho các nhà máy dược phẩm.
Đóng gói 250 gam/ túi rút chân không, cung cấp cho các cơ sở sử dụng bán lẻ.
Dạng bột chiết sấy phun 1 kg/túi, trong bao nhôm, cung cấp cho các nhà máy dược phẩm chế tạo thuốc.
Kết luận
Diệp hạ châu đắng là cây thuốc dễ trồng, cây trồng không kén đất. 
Vài năm trở lại đây, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Dược liệu miền Trung đã hướng dẫn bà con nông dân tỉnh Phú Yên trồng cây thuốc này trên đất pha cát và đất bạc màu ở ven biển, kết quả đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác. Mô hình này có thể áp dụng rộng rãi ra các tỉnh ven biển khác, cũng như ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du của nước ta.

Lê Thị Ánh Tuyết- Trần Quốc Hùng (CTQ số 94)

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""