Có nơi gọi là mồng tơi hay mùng tơi có loại màu xanh, đỏ, tía… ở thôn quê chân dậu làng rào vườn thường trồng để ngọn bám leo lên phát triển nhánh lá tươi tốt.Mùa hè oi bức trên mâm cơm có bát canh mồng tơi nấu với cua, quả mướp hương với quả cà đã là món ăn đặc sản quê hương.
Cái dậu mồng tơi đã vào thơ văn.
"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn" (Nguyễn Bính)
Ngoài nấu canh để ăn cơm, mồng tơi còn là vị thuốc. Theo y học cổ truyền, ăn rau mồng tơi chống được táo bón, nhuận tràng, thông tiểu tiện, giải nhiệt. Mồng tơi nấu với ốc ăn giải nhiệt, hạ hoả, khỏi táo bón, bị đầy bụng, sôi bụng.
Lấy hạt mồng tơi, bỏ vỏ, tán mịn rồi trộn với mật ong. Đó là kem dưỡng da, an toàn cho phái đẹp. Tối tối, trước khi đi ngủ thoa nhẹ lên mặt, sáng dậy lấy khăn khô lau đi trước khi rửa mặt. Bột hạt mồng tơi với phấn rôm là thứ phấn rôm tốt có tác dụng làm cho trẻ khỏi rôm sẩy. ép lá mồng tơi lấy nước, bôi lên mụn trứng cá sẽ khỏi. Phụ nữ có thai thường xuyên ăn canh mồng tơi sẽ rất tốt khi sinh đẻ. Người mẹ, sau ngày sinh nở, ăn đều canh mồng tơi sẽ có nhiều sữa nuôi con.
Các cụ già lại càng nên ăn canh mồng tơi thường xuyên để chống được nhiều bệnh như: đi đái rắt, táo bón, đại tiện không đều.
Phó Đức Khang (CTQ số 90)