TINH HOA XANH

Bạn đã biết chưa: Sứa và cách chế biến sứa

Sứa là động vật không xương, sống ở biển. Sứa có hình dáng như nấm rơm, tán hình chỏm cầu, phía dưới là bốn tay miệng, giữa tay miệng là loỗ miệng. Cơ thể sứa chứa trên 80% nước, ít protit. Sứa bao gồm sứa rô và sứa sen. Trong “Nam dược thần hiệu” Tuệ Tĩnh có viết: “Sứa còn gọi là thủy mẫu, vị mặn, không độc, có tác dụng tiêu ứ, chữa đơn độc trẻ con, chữa bỏng, đàn bà hư lao bạch đới. Trong “Lĩnh nam bản thảo” Hải Thượng Lãn Ông có viết:
“Thủy giải mẫu là tên con sứa
Mặn, lạnh không độc, hay tiêu ứ
Chữa trẻ đơn độc, bị bỏng đau
Đàn bà hư lao và đới hạ”


Theo “Trung dược đại từ điển”, sứa được dùng trị ho có đờm, háo suyễn, có khối cứng trong bụng, đại tiện táo kết… Có thể nấu nước hoặc trộn giấm, gừng mà ăn. Liều dùng 4 – 8g. Nhân dân ta thường dùng sứa rô làm thức ăn. Có thể ăn tươi hay ướp muối để ăn. Không nên ăn nhiều, dễ bị đau bụng.

 


Cách chế biến sứa
Nguyên liệu: Sứa đã qua xử lý (ngâm vôi hoặc nước cỏ cây có nhiều chất chát), đậu phụ rán, rau diếp, kinh giới, tía tô, rau mùi, mắm tôm vắt chanh, tỏi tây, cần tây, bánh đa nướng.
Cách làm: Cho sứa đã qua xử lý vào nước nóng rửa sạch, sau đó bóp với chút muối và rửa sạch lại lần nữa. Dùng que nứa (không dùng dao) cắt sứa thành những miếng vừa phải, ướp gia vị. Cho mỡ vào chảo, phi thơm hành, cho sứa vào xào. Khi chín cho đậu phụ rán, mắm tôm, mì chính vừa đủ cùng một chút tỏi tây, cần tây vào xào chín tới, ăn cùng với bánh đa nướng và rau diếp, kinh giới, tía tô, rau mùi. 
Rau diếp có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, làm mạnh gân xương, thanh nhiệt, hòa trung, giải độc rượu. Tía tô và kinh giới có tác dụng tán giải biểu, giải độc, khử mùi tanh, lợi đại tiểu tiện. Đây là món ăn rất tốt cho người béo phì vì nó ít năng lượng.

Đặng Phương Lan (CTQ số 71)
 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""