TINH HOA XANH

Cá chép om dưa nay đã thành đặc sản

Món cá chép om dưa chua cũng đã là một biến thể của món dưa giúp cho người sành ăn đổi món. Tôi đã đến một cửa hàng ăn Đồng quê ở 17  phố Trần Phú Hà Nội, mới thấy tên của món ăn cá chép kho dưa được yết bảng như một món ăn đặc sản của nhà hàng vậy. Bạn có biết gì về tác dụng phòng và chữa bệnh của món ăn này?

Có lẽ có thể nói rằng, con cá đã trở thành thực phẩm của con người ngay từ buổi hồng hoang! Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, khi các món ăn sơn hào hải vị đã trở thành thường nhật thì con người ta lại có xu hướng quay trở lại với những món ăn đượm màu dân dã. Trong những món ăn đó, món cá chép om dưa cũng là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích. Dưới ánh sáng khoa học, chúng ta xem xét thử tác dụng của cá chép và dua chua có tác dụng gì trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe như thế nào?

Tác dụng phòng và chữa bệnh của cá và cá  chép

Trong các tác phẩm Nam dược thần hiệu và Hải thượng y tông kim giám của các danh y Việt Nam Tuệ Tĩnh và Hải thượng Lãn ông, nhiều lọai cá được đề cập đến không phải là món ăn mà là để chữa bệnh. Theo y học cổ truyền dân tộc, Tinh - Khí - Thần được coi là “tam bảo”: Là ba thứ cần được bảo trọng của con người. Các y gia cho rằng “Ngư nhục sinh tinh”, có nghĩa cá có tác dụng bổ tinh. Tác dụng chữa bệnh của cá theo y học dân tộc cũng có một số điểm tương đồng với y học hiện đại như cá có tác dụng bổ hư, ích tinh, trị tiêu khát...

Dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, người ta thấy trong cá còn có nhiều vitamin D, tạo điều kiện cho việc hấp thu can xi của cơ thể. Can xi có giá trị phòng chống loãng xương ở người cao tuổi. Ngoài ra, trong cá còn có nhiều kẽm, là một vi chất có ích với sức khoẻ con người, có tác dụng phòng chống u xơ tiền liệt tuyến ở người cao tuổi.

Nhiều người cho rằng cá là thần dược với bệnh tim mạch. Người Eskimo ở Bắc cực ăn toàn mỡ cá mà tỷ lệ người bị tăng huyết áp rất ít và lượng Cholesterol máu thấp. Các nhà khoa học tìm thấy trong mỡ cá có chất Eicosapentaeoic acid và Docosahexanoic acid được gọi chung là Omega - 3 chưa no. Các chất này có tác dụng tham gia tích cực vào nhiều khâu trong quá trình chuyển hoá lipid trong cơ thể: Làm tăng HDL - C (là loại cholesterrol có tỷ trọng cao, có lợi cho cơ thể), tăng cường chất thư giãn nội mô, giảm tổng hợp apolipoprotein... Do vậy, ăn cá có tác dụng tốt đối với những ai muốn phòng và cũng như đã bị bệnh tim mạch. Dân chài Nhật Bản bản và người Eskimo ở Alaska không hề bị nhồi máu cơ tim, hen suyễn, đái đường, thấp khớp, sỏi thận, loét dạ dầy tá tràng... do tập quán ăn cá, cơ thể họ luôn luôn được hấp thu đầy đủ acid béo Omega - 3.

Nhiều nghiên cứu cho thấy Omega - 3 có tác dụng giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim, giảm đường máu, cải thiện bệnh đái đường, giảm sự hình thành bệnh tắc mạch. Ngoài ra, Omega - 3 còn có tác dụng cải thiện hữu hiệu các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, stress, suy nhược hoặc béo phì... gọi chung là bệnh của nền văn minh. Bên cạnh đó, Omega - 3 còn có tác dụng giải độc gan, kích thích tiêu hoá, ngủ được, chống táo bón. Có tác dụng chống viêm xương khớp, cải thiện bệnh thống phong, chống viêm gan, tăng khả năng thải độc gan, bổ não, nâng cao trí lực và phòng ngừa suy não, nâng cao năng lực trí tụê, tăng trí nhớ. Omega - 3 còn có tác dụng ức chế tế bào ung thư, giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vú. Chống các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm da dị ứng, bệnh ban đỏ... và giảm các triệu chứng khó chịu khi có kinh nguyệt.   Nghiên cứu của giáo sư Martin Katan viện đại học Wagenigen (Hà lan) cho thấy: ăn nhiều cá cũng không hẳn đã tốt hơn... Mỗi tuần chỉ nên ăn 3 bữa cá hoặc 300g cá / tuần.

Trong tác phẩm Nam dược thần hiệu, có tới 34 loài cá tôm được Tuệ Tĩnh giới thiệu để làm thuốc thì cá chép được gọi với tên Lý ngư, vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng hạ khí, trị hoàng đản (vàng da), máu cục trong bụng, ho đờm.. Cá chép om dưa được coi là một loại thức ăn dễ hấp thụ. Các nhà khoa học khuyên rằng: Không nên ăn cá dưới dạng chiên rán không có lợi cho cơ thể. Theo “ẩm thực bách kỵ”, các tác giả cho rằng những người mắc bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu thì không nên ăn nhiều cá. Dân gian thường dùng cá chép trong phòng và chữa một số căn bệnh:

Bài 1: cá chép to 1 con, mổ bỏ ruột; đậu đỏ 1 thăng, nước 2 bát. Nấu cho ăn cả nước lẫn cái, ăn hết một lần sẽ ỉa ra chất độclà khỏi. Bài thuốc có tác dụng chữa có thai bị phù, đây là một chứng bệnh hay gặp ở phụ nữ có thai, là một dấu hiệu nguy cơ tiền sản giật trong thai nghén.

Bài 2: cá chép 1 con, đậu sị, hành trắng, gạo nếp vừa đủ, thêm gừng và gia vị. Nấu cháo cho ăn hàng ngày rất tốt. Bài thuốc có tác dụng chữa động thai.

Bài 3: cá chép 1 con, gạo nếp 50g, hành tươi 5 nhánh cắt khúc. Cho các đem luộc lấy nước, sau đó vớt cá cho gạo nếp vào nấu cháo. Bài thuốc có tác dụng kiện tỳ, an thai, lợi tiểu, tiêu thũng. Chủ trị có thai bị phù.

Bài 4: cá chép đen 1 con, chiều 30 tết, lúc nhá nhem tối lấy nước nấu sôi cá lên, chờ nguội đem tắm khắp mình trẻ. Bài thuốc có tác dụng chữa bệnh đậu ở trẻ em.

Bài 5: mật cá chép, đất lòng bếp, trộn đều. Lấy ngón tay trỏ quệt bôi vào cổ. Bài thuốc có tác dụng chữa viêm họng, đau họng.

Bài 6: mật cá chép 1 cái, gan gà trống 1 cỗ. Cả hai vị đem sấy khô, tán nhỏ luyện với trứng chim sẻ làm viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 10 viên. Bài thuốc có tác dụng chữa các chứng liệt và cả bệnh liệt dương.

Tác dụng phòng và chữa bệnh của cải xanh và dưa chua

Dân ta thường hay dùng cải xanh và đặc biệt là cải bẹ… để muối dưa. Có thể nói rằng, món dưa muối là một món ăn mang một nét văn hoá đặc trưng của người Việt, “tương cà là gia bản” là cách sống của đạị đa số người dân Việt. Vị chua ngọt của món dưa muối và hương vị thơm ngon của nó đã quyến rũ nhiều người đến nỗi đến bữa ăn không có dưa muối ăn không ngon miệng.

Còn món dưa đã muối chín vàng lại là một vị thuốc kích thích tiêu hoá tốt. Do được lên men vi sinh vật, dưa muối còn mang một hương vị thơm ngon đượm  mầu dân dã. ăn dưa muói chín đã là một món ăn dân dã, không ít hàng ăn đặc sản ngày nay lại luôn có sẵn vại dưa cà để phục vụ khách sành ăn. Một khi đã chán cơm, người ta lại tìm đến phở là lẽ thường tình. Ngoài món dưa chua ăn sống, dân ta còn thường dùng món dưa xào, dưa kho… Nhất là những người thường bị rối loạn tiêu hoá, chán ăn, người dùng kéo dài kháng sinh, người thiểu toan dạ dầy …thì món dưa chua có lễ lại là món khoái khẩu. Trong dưa chua còn chứa nhiều các chất xơ sợi. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rằng, ăn nhiều chất xơ cũng góp phần đào thải bớt các chất mỡ, chống rối loạn mỡ máu mà ngày nay dây chính là một căn bệnh nhiều người thường hay mắc phải. Trong rau xanh là nguyên liệu để muối dưa, ngoài chất xơ sợi cũng còn có chứa nhiều các chất khoáng vi lượng, vitamin C, vitamin U…là những chất có lợi cho sức khoẻ con người. Người ta thấy rằng vitamin U có chứa nhiều trong bắp cải có tác dụng làm lành vết loét dạ dầy tá tràng. Vitamin C có tác dụng  chống stress, chống oxi hoá tế bào, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…là những vấn đề đã được các nhà khoa học khẳng định.

Mặt trái của món dưa chua chắc cũng ít người biết đến. Với người đa toan gây đau dạ dầy như mọi người thường gọi thì đây lại là món ăn nên tránh. Các bà nội trợ cũng nên biết rằng, muối được dưa ngon cũng là một nghệ thuật cần phải được học mới có thể tạo được bát dưa vàng thơm. Có người để vội vàng có được món dưa muối đã không ngần ngại đổ cả nước sôi vào muối dưa cho chóng “chín” mà không hiểu được rằng, muối dưa là một quá trình lên men vi sinh vật. Muối dưa kiểu như vậy đã hạn chế quá trình lên men và không tạo được mùi vị đặc trưng của món dưa muối dân dã. Đôi khi đây cũng chính là một trong muôn vàn nguyên nhân đã tạo ra món dưa khú như dân gian thường gọi. Ngày nay, các nhà khoa học nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dưa còn xanh (chưa chín) và dưa khú lại là một trong nhưng nguyên nhân có thể gây ra ung thư – một căn bệnh nguy hiểm đe doạ nhiều người trên trái đất này. Nitrit, một trong những thành phần đã có trong dưa khi còn xanh và được tạo ra nhiều khi dưa bị khú là một trong những nguyên nhân chính đem lại hậu quả không lường. Người ta đã thấy rằng, khi vào cơ thể Nitrit có thể phối hợp với các amin có nhiều trong đạm thực vật (thịt cá, tôm và đặc biệt là mắm tôm…) tạo thành nitrosamin, là một chất có thể gây ung thư ở người và động vật. 

Tạm kết

Dưới góc nhìn của 2 nền y học, có thể nói rằng con cá xứng đáng với danh hiệu là thần dược, và không chỉ là thức ăn tuyệt vời của tạo hóa dành cho con người, con cá cũng đã khẳng định được vai trò của nó trong bảo vệ sức khỏe con người. Hy vọng rằng, món cá chép om dưa sẽ là món ăn dân dã có tác dụng tích cực trong phòng bệnh và chữa bệnh. /.

Caythuocquy.info.vn

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""