Theo nghiên cứu, trong 100g Chùm ngây non còn tươi ăn được có 6,35g chất đạm;1,7g chất béo; 8g chất bột đường; 1,9g chất xơ; 3,75 chất khoáng (phosphor, kali, calci, magnesium, đồng, sắt và caroten); các sinh tố B1, B2, PP và C.
Tài liệu nghiên cứu ở nước ngoài cho biết, lượng vitamin C trong lá Chùm ngây cao hơn gấp 7 lần so với lượng vitamin C có trong quả Cam; gấp 4 lần lượng canxi và 2 lần lượng protein của sữa; hơn 4 lần vitamin A của Cà rốt; hơn 3 lần potassium của chuối. Như vậy Chùm ngây không thua kém những loại thực phẩm được cho là giàu dinh dưỡng nhất.
Kinh nghiệm y học dân gian thường dùng Chùm ngây chữa các bệnh:
Chữa tăng huyết áp, đái tháo đường, bảo vệ chức năng gan, bồi bổ cơ thể chống nhiễm khuẩn: dùng 100-150g lá tươi giã hoặc xay vắt nước cốt uống hoặc cho thêm Mật ong uống 3 lần trong ngày.
Chữa u xơ tiền liệt tuyến: lấy khoảng 100g rễ Chùm ngây phối hợp với lá Trinh nữ hoàng cung 80g tươi, hoặc phơi khô sắc nước uống.
Chữa mỡ máu cao, giúp chức năng gan, thận tăng cường sự đào thải acid uric, ngăn ngừa bệnh thống phong, sỏi thận: rễ Chùm ngây sắc nước uống.
Người dân đồng bào thiểu số vùng Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận thường hái lá Chùm ngây làm rau, làm thuốc bổ và đào rễ sắc nước uống để không sinh con. Hoa Chùm ngây cũng được dùng làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa cảm sốt, nhiễm khuẩn...
Lưu ý: phụ nữ có thai, hiếm muộn con không nên dùng rễ Chùm ngây.
Lương y Phan Thị Thạnh