TINH HOA XANH

Đèn đỏ và chuyện ăn uống

Với lượng máu mất đi trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt bình thường, chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng có thể bù lại được. Tuy nhiên nếu lượng máu mất nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của các chị em phụ nữ.

Do đặc điểm tâm sinh lý cơ thể những ngày “đèn đỏ”, thời gian chị em bị hành kinh đa số đều cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Chu kỳ kinh nguyệt là tập hợp những thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt điển hình xảy ra hàng tháng giữa thời kỳ dậy thì và thời kỳ mãn kinh. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường khoảng từ 28 đến 35 ngày, trong đó ngày có kinh kéo dài khoảng từ 3 - 5 ngày.

Những yếu tố khó chịu trong ngày đèn đỏ:

- Mất máu (có thể gây hiện tượng thiếu máu).

- Cơ thể mệt mỏi, xanh xao, làm việc không tập trung hay hoa mắt chóng mặt.

Việc ăn uống hợp lý trong ngày đèn đỏ mục đích chống lại tác hại của việc mất máu, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

- Bổ sung sắt: Các thực phẩm có chứa nhiều sắt như các loại rau xanh đậm, thịt bò, gan động vật, trứng sữa...

- Bổ sung canxi: Một số nghiên cứu đã cho thấy canxi có khả năng giảm mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện khó chịu trước mỗi kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như đau lưng, đau bụng, đau ngực. Thực phẩm giàu canxi như sữa, rau lá xanh, đậu phụ… sẽ giúp bạn giảm các cơn đau nhức, giảm nguy cơ bị chuột rút.

- Gừng và chất xơ: Chống lại các chứng rối loạn dạ dày. Gừng giúp chống đầy hơi là triệu chứng thường gặp những ngày đèn đỏ. Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả có thể ngăn ngừa các vấn đề đường ruột trong chu kỳ nguyệt san của bạn.

- Bổ sung vitamin B6Giúp ổn định tâm trạng. Vitamin B6 giúp tổng hợp chất dopamine. Một nghiên cứu khác cho biết, nếu dùng chung với chế phẩm magie, vitamin B6 còn có thể làm giảm những âu lo trước kỳ kinh. Thực phẩm nên dùng: Bông cải, Cà rốt, Chuối.

- Bổ sung vitamin E: Ở những bạn gái hấp thu đủ vitamin E, bất ổn ở vùng ngực sẽ giảm 11%. Chất này giúp giảm hormone gây đau ngực, đau bụng kinh. Thực phẩm nên dùng: Dầu thực vật, cải bó xôi, các loại ngũ cốc.

    - Trytophan: Do sự chuyển hóa của các hormone, nhiều phụ nữ khó đi vào giấc ngủ trong một tuần lễ trước kỳ kinh. Việc bổ sung Trytophan sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ. Thức ăn cần thiết: Thịt gà, thịt bò, hột đào.

    - Bổ sung kẽm: Kẽm có thể giúp ngăn cản chất gây viêm và lây nhiễm. Thực phẩm nên dùng: Thịt bò, thịt dê, Tôm, Bí rợ.

    - Bổ sung magie: Đậu hũ, Đậu phộng… vì nó có tác dụng làm giảm hiện tượng phù nề ở phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt.

    - Omega 3: Hormone mang tên prostaglandin, liên quan đến cơ bắp và cảm giác đau trong giai đoạn kinh nguyệt. Omega 3 sẽ có tác dụng hạn chế hội chứng tiền kinh nguyệt. Omega 3 có nhiều trong cá hồi, quả óc chó, hạt lanh và dầu cá.

    - Vitamin C: Vitamin C có vai trò như một chất kháng thể, đảm trách nhiệm vụ giúp cho cơ thể chống lại những chứng bệnh viêm nhiễm. Vitamin C nhiều trong ớt chuông, trái cây thuộc họ Cam, Quýt, Kiwi, Dâu tây, Cà chua, rau có lá màu xanh sẫm…

    - Uống đủ nước: Mất máu cũng làm cơ thể thiếu hụt nước.

    Cần tránh:

    - Trà và cà phê: Caphein lớn trong thành phần của chúng chính là nguyên nhân làm tăng lượng axít trong dạ dạy gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu.

    - Kiêng ăn mặn: Chế độ ăn nhiều muối là tiền nguyên nhân dẫn đến những chứng bệnh nguy hiểm như phù nề, cao huyết áp, bệnh thận… Nên tránh ăn thực phẩm đã qua chế biến như thịt nguội, phô mai, đồ ăn đóng hộp có nhiều Natri.

    - Tránh ăn quá nhiều đồ ngọt như bánh ngọt, nước ngọt…

    -  Không nên ăn cay: Vì gây nổi mụn, kích thích cảm xúc, kích thích dạ dày vốn nhạy cảm hơn trong những ngày đèn đỏ.

    BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""