TINH HOA XANH

Dược thiên cho vị thành niên

Sự sinh trưởng và phát dục của trẻ vị thành niên được quyết định bởi hai yếu tố: Tiên thiên và Hậu thiên. Tiên thiên vốn bẩm thụ từ tinh cha huyết mẹ; Hậu thiên là những yếu tố thu được từ quá trình sống, trong đó dinh dưỡng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Với trẻ vị thành niên, Tiên thiên di truyền rất khó can thiệp nhưng nâng cao chất lượng Hậu thiên dinh dưỡng là điều hoàn toàn có thể làm được...

Khó có thể kể hết các biện pháp của Dinh dưỡng cổ truyền nhằm cải thiện Hậu thiên, nhưng có một phương thức khá đơn giản là lựa chọn và sử dụng các món ăn – bài thuốc dành cho trẻ vị thành niên trong vô số những bài thuốc mà cổ nhân đã lưu truyền:

Bài 1

Thành phần: Thịt Dê 250g, Hoài sơn 25g, Gừng tươi, Hành và gia vị vừa đủ

Cách chế: Thịt Dê rửa sạch, thái miếng, ướp với Gừng tươi đập giập rồi đem hầm với Hoài sơn cho thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng trong ngày.

Công dụng: Kiện tỳ ích vị, thông dương hoạt huyết. Trong Dinh dưỡng học cổ truyền, thịt Dê vị ngọt, tính ấm, có công dụng làm ấm tỳ vị, bồi bổ can thận, ích khí dưỡng huyết, thông kinh mạch.

Bài 2

Thành phần: Tam thất 5 – 10g, gà nhỏ một con (chừng 500g).

Cách chế: Gà làm thịt bỏ lông và ruột, cho Tam thất thái lát và gia vị vào trong bụng, đem hầm cách thuỷ cho chín, ăn trong ngày hoặc hầm nhừ làm canh ăn.

Công dụng: Hoạt huyết bổ hư, dùng cho trẻ vị thành niên bị suy nhược cơ thể, quá trình sinh trưởng chậm. Theo Y học cổ truyền, Tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ấm, có công năng hoá ứ chỉ huyết, hoạt huyết giảm đau; Thịt gà vị ngọt, tính hơi ấm, có công dụng làm ấm và bổ tỳ vị, ích khí dưỡng huyết, bổ thận ích tinh. Ngoài tác dụng hữu ích cho hệ tim mạch, Tam thất còn có khả năng bảo hộ tế bào gan, điều tiết chuyển hoá đường, chống lão hoá và tăng cường công năng của tuyến vỏ thượng thận.

Bài 3

Thành phần: Đông trùng hạ thảo 5g, chim Cút 2 con.

Cách chế: Chim Cút làm thịt bỏ đầu và phủ tạng rồi cho Đông trùng hạ thảo, gia vị vào trong bụng, đem hầm cách thuỷ chừng 1 giờ là được, ăn trong ngày.

Công dụng: Cường gân cốt, bổ hư nhược, dùng cho trẻ vị thành niên cơ thể gầy yếu, chậm phát dục. Trong Dinh dưỡng cổ truyền, chim Cút có công dụng bổ tỳ ích khí, làm mạnh gân cốt, rất có lợi cho tình trạng tỳ vị hư nhược, tiêu hoá kém, gân cốt mềm yếu, chậm phát dục.

Bài 4

Thành phần: Xương Bò hoặc Trâu, xương Dê, xương Lợn, xương Chó và xương Gà, lượng bằng nhau, mỗi thứ 100g, Hoài sơn 10g, hạt Sen 20g, Gạo tẻ 100g.

Cách chế: Tất cả các xương rửa sạch, chặt vụn, hầm kỹ lấy nước cốt rồi cho Hoài sơn, hạt Sen, Gạo tẻ vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Cường gân tráng cốt, dùng tốt cho trẻ vị thành niên hệ xương khớp phát triển kém, chậm phát dục. Theo Dinh dưỡng học cổ truyền, xương các loại động vật đều có tác dụng bổ thận mà thận lại chủ cốt, sinh tuỷ, tuỷ sinh não và lại dùng xương động vật để bổ trợ cho hệ xương của nhân thể cũng dựa trên học thuyết “dĩ tạng bổ tạng” (lấy tạng bổ tạng) của cổ nhân.

ThS. Hoàng Khánh Toàn – CTQ số 56

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""