TINH HOA XANH

Dược thiện dành cho phụ nữ ốm nghén

Ốm nghén ở ba tháng đầu của những phụ nữ mang thai là một hiện tượng sinh lý bình thường, biểu hiện qua các triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, da xanh, lợm giọng, buồn nôn………

 

 

Hiện tượng này bắt đầu từ khi có thai khoảng gần một tháng, kéo dài chừng ba tháng rồi giảm dần và mất hẳn. Tuy nhiên trong Y học cổ truyền, trạng thái này cũng đã được người xưa quan tâm nghiên cứu và tích luỹ rất nhiều kinh nghiệm trong đó việc sử dụng các món ăn – bài thuốc nhằm hoà trung an vị, giáng nghịch chỉ nôn được gọi là Dụng phụ ẩu thổ dược thiện.

* Bài 1: Nước mía 100ml, gừng tươi 10g. Gừng rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt, cho vài giọt vào cốc nước mía, quấy đều, hâm nóng rồi uống.

Công dụng: Sinh tân bổ dịch, hoà vị cầm nôn. Dùng để chữa trong trường hợp có thai, nôn mửa, miệng đắng, khát nước hoặc nôn khan. Tốt nhất là nấu nước với vài lát gừng để uống từng ít một (uống ấm).

* Bài 2: Cá diếc 1 con, Sa nhân 3g, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc đánh vẩy, bỏ ruột và mang, rửa sạch, cho Sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Lý khí ôn vị, tiêu thũng cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, có thể có phù nhẹ hai chi dưới.

* Bài 3: Hoài sơn 100g, gừng tươi 5g, thịt lợn nạc 50g. Hoài sơn và thịt lợn thái miếng, gừng đập dập, tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Kiện tỳ hoà vị, ôn trung cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, chán ăn, toàn thân mỏi mệt, đại tiện lỏng loãng.

* Bài 4: Phật thủ 10g, gừng tươi 2 lát, đường cát lượng vừa đủ. Tất cả hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Sơ can hoà vị, cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, ngực bụng đầy tức khó chịu, tinh thần dễ căng thẳng.

* Bài 5: Hoắc hương 12g, gạo tẻ 100g. Sắc kỹ Hoắc hương bỏ bã lấy nước, cho gạo vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Kiện tỳ hoà vị, cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, miệng nhạt, tinh thần mỏi mệt, dễ buồn ngủ.

*Bài 6: Lê 1 quả, Đinh hương 5 cái. Lê rửa sạch, khoét một lỗ rồi nhét Đinh hương vào trong, nút kín, cho nước vào đun chín, mỗi ngày ăn 2 cái Đinh hương.

Công dụng: Lý khí cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tức ngực khó chịu.

*Bài 7: Lô căn (Rễ sậy) tươi 100 – 150g, Ngọc trúc 15g, gạo tẻ 100g, gừng tươi 2 lát. Lô căn rửa sạch, cắt đoạn, sắc kỹ cùng ngọc trúc bỏ bã lấy nước rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chế thêm gừng tươi và gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Dưỡng âm hoà vị, thanh nhiệt cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, môi khô miệng khát, trong bụng nóng như lửa đốt.

*Bài 8: Cá diếc 50g, Bạch truật 10g, gạo tẻ 30g. Cá diếc đánh vẩy, bỏ nội tạng; sắc ký Bạch truật bỏ bã lấy nước, cho gạo và cá vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Kiện tỳ hoà vị, cầm nôn. Dùng cho thai phụ tỳ vị hư yếu, mệt mỏi, nôn mửa, đại tiện lỏng nát.

*Bài 9: Tô ngạnh 5g, Trần bì 10g, Đại táo 10 quả, đường đỏ 15g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Ức can hoà vị, giáng nghịch cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn ra nước chua, ngực bùng đầu tức, đầu nặng mắt hoa, miệng đắng họng khát.

*Bài 10: Tây dương sâm 3g, nước ép dưa hấu 50ml. Tây dương sâm thái phiến mỏng, sắc kỹ lấy nước hoà với nước ép dưa hấu, chia uống vài lần trong ngày.

Công dụng: Ích khí sinh tân, thanh nhiệt cầm nôn. Dùng cho thai phụ ốm nghén có nôn kịch liệt, thậm chí nôn ra máu, sốt nhẹ, họng khô, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết… Đông y quy vào thể khí âm lưỡng hư.

Phụ nữ ốm nghén nên ăn uống cân bằng và thanh đạm, tránh ăn quá nhiều đồ bổ béo, khó tiêu. Nếu bị táo bón mỗi sáng uống một chén mật ong để thông đại tiện. Khi dùng các món ăn – bài thuốc nói trên cũng phải biết cách uống để thu được hiệu quả tốt nhất. Trước khi uống nên ăn một chút cháo loãng có gừng hoặc uống vài giọt nước gừng. Nếu có cảm giác nóng trong dạ dày thì nên uống trước một ít nước lạnh. Khi uống thuốc nên uống từng thìa, nếu uống vào không nôn cũng nên chờ một lát rồi mới uống tiếp. Trường hợp nặng nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được lời khuyên bổ ích.

Caythuocquy.info.vn

 
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""