Gà ác chân có 5 ngón nên còn gọi là gà ngũ trảo. Gà ác nhỏ con, lông trắng nhưng mỏ, mắt, da thịt và xương đều đen. Thịt gà ác còn chứa các acid amin cần thiết cho cơ thể gồm lysine, methionine, histidine nên xưa được gọi là “gà thuốc”. Hàm lượng chất dinh dưỡng trong gà ác cao hơn nhiều so với các loại thịt khác. Sau đây là hai món ăn từ gà ác vừa ăn ngon vừa làm thuốc mạnh tỳ vị bổ dưỡng cơ thể.
Gà ác hầm tam thất: Thịt gà ác và trứng gà thơm ngon, máu gà ác đỏ hơn máu gà thường và có nhiều lysin.Thịt có tính bổ dưỡng và lành, dùng cho người suy nhược dưỡng bệnh, sản phụ sau khi đẻ. Tam thất vị ngọt, đắng, tính ôn, đi vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng hành ứ tiêu thũng trị xuất huyết hoặc bị đòn tổn thương. Rễ tam thất hóa ứ hành huyết tốt .Tam thất là vị thuốc bổ quý, không kém gì nhân sâm nên còn có tên là “kim bất hoán” (vàng không đổi). Kết hợp 2 vị thuốc bổ này vào 1 món ăn thật quý. Người ta còn kết hợp gà ác hấp lá dâu, cả 2 đều bổ âm hoặc gà ác tiềm thuốc bắc như: hoài sơn, sinh địa, táo tàu, củ sâm, có tác dụng đại bổ khí huyết.
Gà ác chưng ngũ vị: Nguyên liệu gồm gà ác, hạt sen, táo, củ mài hay đậu ván trắng, nấm mèo, miến, nước dừa. Các món làm sạch, xào sơ rồi nhồi vào bụng gà hấp chín. Nếu dùng đậu ván trắng thì phải nấu nhừ hạt đậu. Công dụng: gà ác có tính bổ dưỡng và lành, nó là nguồn protein rất tốt, không gây dị ứng dù với những người nhạy cảm. Hạt sen tác dụng vào các kinh tâm, tỳ, thận, là thuốc dưỡng tâm, bổ tỳ, cố tinh, dùng để trị mất ngủ, suy nhược cơ thể. Đại táo có vị ngọt, tính ôn đi vào hai kinh tỳ vị, có tác dụng bổ dưỡng, sinh tân dịch, ích khí, an thần, tiêu viêm, điều hòa doanh vệ, hòa giải các vị thuốc khác. Củ mài còn có tên là hoài sơn, vị ngọt, nhạt tính bình, đi vào các kinh tì, vị, phế, thận, có tính thanh nhiệt bổ hư, ích thuận sinh tân dịch, chỉ khát và giải độc. Đậu ván trắng có vị ngọt nhạt, tính âm, đi vào 2 kinh tì, vị, có tác dụng bổ tỳ, vị, sinh tân dịch, giải nhiệt, hòa trung, chỉ tả. Dùng trị cảm nắng, miệng khát, nôn mửa, biếng ăn, giải độc.
Theo SKDS