Người ta, tuy có béo gầy, cao thấp khác nhau, song theo quan điểm biện chứng của Đông y học, có thể chia ra bốn loại lớn, đó là: (1) Loại người khoẻ mạnh, (2) Loại "Âm hư", (3) Loại "Dương hư" và (4) "Âm Dương Lưỡng Hư" (âm và dương cùng hư yếu). Tất nhiên, cách phân loại này cũng chỉ là tương đối, như nói là "người khoẻ mạnh", song trên thực tế thường vẫn có thiên lệch đôi chút về phía Âm hoặc phía Dương; Hoặc như nói là "Dương hư", "Âm hư" thì cũng còn có mức độ nặng nhẹ khác nhau ...
Người Dương hư thường có những biểu hiện như sợ lạnh, giảm ham muốn tình dục, dương nuy (liệt dương, nhược dương; hiện nay y giới gọi là "rối loạn cương dương": erectile dysfunction, viết tắt là ED), nét mặt xanh nhợt, tiểu tiện trong dài, đại tiện nhão nát, mạch trầm tế (mạch chìm sâu và nhỏ yếu), chất lưỡi nhạt v.v... Người thuộc tạng này nên ăn các thứ thức ăn hỗ trợ Dương khí như: thịt dê, thịt chó, thịt chim sẻ,... Hoa quả nên ăn những thứ như: đào, hạnh, vải, nhãn, mít, dứa v.v... ; Không nên dùng quá nhiều những thứ thịt cá và rau quả có tính lạnh. Đối với những người có biểu hiện dương hư rõ rệt, trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng một số món ăn - bài thuốc sau:
CHÁO THỎ TI TỬ
Nguồn gốc: sách "Chúc phổ".
Nguyên liệu: Thỏ ti tử 30 - 60g (nếu là tươi dùng 60 - 100g), gạo tẻ 100g, đường trắng tùy thích.
Cách làm: Thỏ ti tử đem rửa sạch, giã nát, đem sắc lấy nước cốt, bỏ bã, nấu với gạo thành cháo. Sau khi cháo chín thêm đường vào là được.
Cách dùng: Ăn nóng vào buổi sáng và buổi tối, liên tục 7 - 10 ngày là một liệu trình, nghỉ 3 - 5 ngày rồi lại dùng tiếp.
Công hiệu: Bổ Thận ích tinh, Dưỡng Can minh mục. Sử dụng trong những trường hợp Thận khí bất túc dẫn đến dương nuy, di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm), tiểu tiện nhiều lần, đi tiểu không hết bãi - tiểu tiện xong vẫn rỉ ra từng giọt (dư lịch), đầu choáng mắt hoa, nhìn vật thấy không rõ, tai ù nghe không rõ, phụ nữ kinh nguyệt không đều, khí hư ra nhiều hoặc thường sảy thai .
CHÁO NHỤC THUNG DUNG.
Nguồn gốc: sách "Dược tính luận".
Nguyên liệu: Nhục thung dung 15g, thịt dê 100g, gạo tẻ 50g.
Cách làm: Dùng 100ml nước nấu nhục thung dung cho đến khi nát ra, bỏ bã, chắt lấy nước cốt, để riêng. Dùng 200ml nước nấu nhừ thịt dê, sau đó cho gạo vào nồi và thêm 300ml nước nấu thành cháo. Khi cháo chín hòa lẫn với nước sắc nhục thung dung, hâm trong khoảng 5 phút là được.
Cách dùng: Ăn hàng ngày vào buổi sáng và buổi tối, khi cháo còn nóng.
Công hiệu: Bổ Thận tráng dương, nhuận tràng thông tiện. Dùng trong những trường hợp dương nuy, di tinh, tảo tiết, chức năng sinh dục suy giảm.
THỊT MÈO HẤP SÂM LONG NHÃN.
Nguồn gốc: sách "Ẩm thực liệu pháp".
Nguyên liệu: Long nhãn 15g, nhân sâm 10g, thịt mèo 150 - 250g.
Cách làm: Cả ba thứ cho vào một cái bát, hấp cách thủy đến khi thịt chín.
Cách dùng: Hai ngày ăn một lần.
Công hiệu: Kiện Tỳ ích Tâm. Dùng trong những trường hợp cơ thể suy nhược sau khi khỏi bệnh, thần kinh suy nhược, đầu choáng mắt hoa, dương nuy v.v...
GAN DÊ XÀO HẸ
Nguồn gốc: sách "Ẩm thực liệu pháp"
Nguyên liệu: Rau hẹ 100g, gan dê 120g.
Cách làm: Rau hẹ loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt thành từng đoạn ngắn; Gan dê thái lát. Cả hai thứ đem xào chín.
Cách dùng: Ngày ăn một lần.
Công hiệu: Ôn Thận cố tinh. Dùng trong trường hợp nam giới dương nuy (liệt dương), di tinh, đạo hãn (mồ hôi trộm), quáng gà, giác mạc thoái hóa.
CHÁO HẸ
Nguồn gốc: sách "Thiên kim dực phương".
Nguyên liệu: Củ hẹ 15g, gạo tẻ 50g, muối vừa đủ.
Cách làm: Dùng lửa nhỏ xào chín hẹ, sau đó cho gạo và nước vào nấu thành cháo.
Cách dùng: Mỗi ngày ăn hai lần, ăn khi cháo đang nóng.
Công hiệu: Ôn Thận trợ dương. Dùng trong trường hợp Thận dương hư nhược dẫn đến dương nuy, tinh lạnh, di tinh, tiểu tiện nhiều lần, lưng đau gối mỏi.
CHÁO KHIẾM THỰC PHỤC LINH.
Nguồn gốc: sách "Thích nguyên phương".
Nguyên liệu: Khiếm thực 15g, phục linh 10g, gạo nếp 50g.
Cách làm: Khiếm thực và phục linh đem đập nhỏ, cho vào nồi, đổ 200ml nước đun đến khi nát nhừ, sau đó thêm gạo và nước vào nấu thành cháo.
Cách dùng: Chia nhiều lần ăn từng ít một trong ngày.
Công hiệu: Bổ Tỳ ích khí. Dùng chữa bệnh dương nuy, tảo tiết, tiểu tiện khó khăn, nước tiểu đục.
GÀ HẦM DỪA
Nguồn gốc: sách "Ẩm thực liệu pháp".
Nguyên liệu: Cùi dừa 100g, gạo nếp 50g, thịt gà 100g.
Cách làm: Dừa thái miếng nhỏ, cùng gạo nếp và thịt gà cho vào một cái bát, đậy kín, đun cách thủy đến khi chín.
Cách dùng: Ăn thay một bữa cơm, mỗi ngày một lần.
Công hiệu: Bổ Tỳ ích Tâm, nhiếp tinh. Dùng chữa chứng dương nuy, tảo tiết, chân tay không có sức, ăn uống kém.
HUYÊN THẢO (CTQ số 110)