TINH HOA XANH

Mùa hè thức ăn nào giải nhiệt

Thích ứng với khí hậu thời tiết mùa hè, để quân bình âm dương, nâng cao sức khoẻ, “những thực phẩm mang tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát và bổ dưỡng âm khí” thường hay được dùng.

Sau những ngày ấm áp của mùa xuân là mùa hè với nhiều ngày nắng nóng, oi bức làm cho cơ thể con người mệt mỏi, ăn không thấy ngon, ngủ ít, mồ hôi luôn chảy ròng ròng làm mất nước, mất muối. Chính vì thế trong “ẩm thực liệu pháp” đã sử dụng các loại thực phẩm phù hợp với con người theo từng mùa. 
Các loại rau
* Củ cải: Củ cải tươi sống có vị cay, tính mát; Củ cải nấu chín có vị ngọt, tính bình, quy kinh phế và vị. Củ cải có nhiều tính năng, công dụng cho cả 5 tạng nhưng tập trung vào nhóm chữa bệnh đường hô hấp, làm hoá đờm, lợi khí, giảm ho, bổ tỳ và nhóm chữa bệnh đường tiêu hoá làm tiêu hoá thức ăn, chống cơn khát, điều hoà thân nhiệt, dùng với mật ong có tác dụng trị đau do sỏi mật. Ngoài ra, củ cải còn có tác dụng giải độc do rượu, than, gas… và tham gia chữa một số bệnh ở hệ tiết niệu do thấp nhiệt, do tiểu rắt, tiểu ít, tiểu đục có sỏi.
Thông thường, củ cải được chế biến theo dạng luộc, xào với thịt, tim, gan, bầu dục hoặc hầm với thịt dê, thịt lợn. Củ cải cũng có thể nấu cháo với gạo tẻ, gạo nếp rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường. 
* Bí đao: vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Thường bí đao được nấu với tôm hoặc cua có tác dụng giải nhiệt; nấu với cá hoặc đậu đỏ có tác dụng tiêu thũng, lợi tiểu rất tốt cho người bị béo phì, bị phù thũng, bị tiểu tiện khó. 
* Cà rốt: Có vị ngọt cay, tính hơi ấm, có tác dụng tăng hồng cầu, chữa rối loạn tiêu hoá ở trẻ em nhờ có chất pectin, giúp cho sáng mắt vì có nhiều beta-caroten - một tiền chất của vitamin A. Cà rốt ăn sống hay chín đều có tác dụng giúp tiêu hoá. Dùng cà rốt sấy, giã vắt lấy nước uống rất tốt cho người bị ho hen. Cà rốt còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Có thể dùng cà rốt làm nộm với xu hào, đu đủ, lạc, vừng, có khi ngâm cà rốt với giấm ăn sống, hoặc nấu cà rốt với khoai tây, sườn… 
* Mướp đắng (Khổ qua): Vị đắng tính hàn, có tác dụng sáng mắt, trừ khát, giải nhiệt, hoạt huyết. Mướp đắng thường đun nước tắm cho trẻ nhỏ nhiều rôm. Cách làm món ăn là xào mướp đắng với thịt, nấu canh xương, nhồi thịt hấp. Hiện nay còn có loại chè mướp đắng dùng pha hàng ngày cho người bị tiểu đường. Đậu phụ: Vị ngọt, mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. 
* Đậu phụ dễ chế biến, có thể rán luộc hay kho với thịt, sốt cà chua… cho hợp với từng người. Người ta còn dùng đậu phụ nấu với các thực phẩm khác để chế thành những món ăn có vị thuốc với các vị khác nhau.



Hoa quả
* Quả mã thầy: Vị ngọt, tính hàn, không độc. Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thực, tiêu đờm. Dùng Mã thầy rất tốt với người bị chứng lưỡi đỏ tấy, miệng khô, họng khát, táo bón, say rượu. Khi ăn sống, cần gọt sạch vỏ hoặc ép lấy nước uống giải khát. 
* Quả dừa: Vị ngọt, tính bình, có tác dụng tăng cường thể lực, bổ dưỡng, giải khát, thanh nhiệt. Cùi dừa giòn, thơm; Nước dừa mát, bổ, ngọt dịu là loại nước giải khát tuyệt vời. 
* Quả chanh: Vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, khai vị, tiêu thực. Chanh có thể pha với nước và thường uống tươi; cũng có khi chanh ngâm với muối để ngậm chữa ho đau họng hoặc đầy hơi, thậm chí có người còn phơi làm ô mai. 
* Quả dâu: Vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, nhuận phổi. Trong dâu còn có nhiều vitamin C và sắt dùng để chữa thiếu máu. Người ta hay ngâm dâu thành xiro uống giải khát hay ép nước dâu tươi để uống. 
* Củ đậu: Vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khát, giải độc khi say rượu, củ đậu thường gọt vỏ ăn sống, có khi ép nước uống hoặc làm nộm, xào, nấu canh đều ngon.
Trên đây là một vài loại thực phẩm giải nhiệt trong mùa hè, chúng ta tự chọn những loại phù hợp cho từng địa phương để giúp nâng cao sức khoẻ trong những ngày hè nắng nóng này.

Phạm Thị Thục (CTQ số 89)


 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""