Việc xây dựng một kế hoạch ăn uống cho người bệnh ung thư vú phải phụ thuộc vào từng cá nhân, chẩn đoán ung thư và tác dụng phụ khi điều trị.
Không có một giải pháp chung về độ ăn phù hợp với tất cả bệnh nhân đang điều trị ung thư vú, Megan Morrison chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm ung thư Princess Margaret ở Toronto cho biết.
Dưới đây là một số lưu ý khi lên kế hoạch ăn uống cho bệnh nhân ung thư vú để đạt lợi ích tốt nhất:
Cung cấp đủ lượng protein
Mục tiêu chung khi xây dựng kế hoạch ăn uống là nhằm duy trì và cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng. Morrison cho biết các thực phẩm chứa protein chất lượng tốt như cá, gia cầm, các loại đậu, bơ lạc và các loại hạt đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi hệ miễn dịch và củng cố các cơ.
Uống đủ nước
Một số tác dụng phụ trong quá trình điều trị như buồn nôn, nôn, đau miệng và họng, thay đổi vị giác, giảm cảm giác ngon miệng, giảm cân, táo bón, tiêu chảy có thể ảnh hưởng tới việc ăn uống. Nếu bạn bị buồn nôn và nôn trong quá trình điều trị, Morrison khuyên nên cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể để phòng ngừa nguy cơ mất nước. Ngoài nước lọc, nước ép hoa quả nguyên chất hoặc súp cũng là những lựa chọn tốt.
Ăn uống hợp lý
Ăn thành các bữa nhỏ đủ dưỡng chất, tránh đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ, không nên uống nhiều nước trước khi ăn. Bạn cũng tuyệt đối không được bỏ bữa vì nó có thể khiến tình trạng buồn nôn thêm trầm trọng. Bạn có thể thử một số đồ ăn mát vì chúng không có mùi vị mạnh để giảm hiện tượng buồn nôn. Morrison gợi ý: “Nếu bạn thích món trứng tráng, thay vì làm theo cách thông thường, hãy thêm một chút phô-mai và quả bơ. Hoặc nếu bạn làm món salad rau hoặc khoai nghiền, hãy cho thêm một chút dầu ôliu khi chế biến”.
BS P.Liên
(Theo BHM)