TINH HOA XANH

Nước Vối

Trong buổi họp nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Công Tiễu chúng tôi được uống nước vối vì cụ Tiễu là người đầu tiên nghiên cứu cây vối (Eugenia operculata Roxb. Cleistocalvx operculatatus Roxb. Merr.et Perry, họ Sim Myrtaceace )

Vào năm 1939, đã báo cáo tại hội nghị Thái Bình Dương thứ 6 năm 1940, trang 714 - 725. Năm 1954, Andre Foucaud cũng đã nghiên cứu cây vối về mặt thực vật và hoá học trong luận án tiến sĩ dược học : “Góp phần nghiên cứu cây thuốc miền Bắc Việt Nam “. Năm 1968, Nguyễn Đức Minh ở Viện Y học cổ truyền, đã nghiên cứu thấy lá và nụ vối có tác dụng kháng sinh, hoạt chất kháng sinh tan trong nước, vững bền ở nhiệt độ nước sôi.

Cây vối là một cây cỡ vừa, cao 5 - 6m, có khi hơn. Cành cây tròn hay hơi hình 4 cạnh, nhẵn. Cuống lá dài 1- 1,5cm. Phiến lá dai, cứng, bầu dục hay trái xoan ngược, hình trứng rộng, giảm nhọn ở gốc, có mũi nhọn ngắn, 2 mặt cùng màu nhạt có đốm màu nâu, dài 8 - 9cm, rộng 4 - 5cm. Hoa gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Cụm hoa hình tháp, trải ra ở kẽ các lá đã rụng. Quả hình cầu hay hình trứng, đường kính 7 - 12 mm, nháp, có dịch. Toàn lá, cành non và nụ có mùi thơm dễ chịu đặc biệt của vối. Mọc hoang và trồng.

Lá dùng vào mùa nóng pha nước uống như pha chè. Nước vối uống khi còn rất nóng. Nụ vối hái vào tháng 6 cũng dùng pha nước uống. Nước lã đun chín thì chỉ sau 30 - 40 phút là cơ thể đào thải hết, còn nước lá vối thì sau cùng thời gian đó cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống. Phần còn lại được thải ra từ từ. Được cơ thể lưu trữ lâu hơn. Vối hoàn toàn không có độc đối với cơ thể, tăng huyết áp. Trong thành phần lá vối có rất ít tanin, có vết alcaloit gần với cafein, 4% tinh dầu mùi thơm dễ chịu, dễ bay hơi.

Lá vối chữa được đầy bụng vì làm tăng nhu động ruột và chống được chứng hạ huyết áp khi bị ỉa chảy. Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như là chất sát trùng dùng rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ. Viện Y học cổ truyền Hà Nội còn sử dụng nước vối đặc để phòng và chữa nhiễm khuẩn đường ruột, viêm họng và bệnh ngoài da, chữa viêm đại tràng co thắt. Nếu dùng ngay thì nấu nước sắc đặc. Cần mang đi xa và để lâu thì nên nấu cao lá vối. Tỷ lệ 5/1 hay 10/1 tức là 5 hay 10 phần lá vối tươi lấy 1 phần cao. Khi dùng pha loãng nước chín thành tỷ lệ 1/1.

Sau khi hái có thể bó ngay thành bó để bán. Lá vối tươi rất ngái vì có nhiều chất diệp lục nên phải ủ để phá huỷ chất này. Trong quá trình ủ dưới tác dụng của các men oxy hoá có sẵn trong lá vối, tanin sẽ bị biến đổi một phần và hàng loạt phản ứng sinh hoá diễn ra. Khâu quan trọng trong việc ủ là giữ độ ẩm và nhiệt độ. Nhân dân ta vẫn ủ lá vối theo lối cổ truyền : thái nhỏ, rửa sạch nhựa, cho vào thùng, thúng, bao tải, bồ, sọt rồi phủ rơm rạ cho đến khi đen đều thì lấy ra rửa sạch phơi khô. Nhưng làm như vậy lá vối và các cuộng lâu chín hoặc chín không đều, chất lượng lá vối thất thường, hương vị nước kém ngon vì bao tải, bồ, sọt không kín, có nhiều khe hở, nhiệt và nước dễ thoát ra.

Ta có thể cải tiến cách ủ như sau : dùng chum vại để giữ nhiệt và độ ẩm. Lấy lá vối và các cuống con, bỏ các cuống đã cứng, nhiều gỗ, loại bỏ các lá chết. Phía trên lớp lá vối phủ kín bằng rơm rạ, sau đó úp sấp chum xuống mặt đất, để ở góc nhà, sau một tháng lấy ra phơi khô để dùng dần. Có thể phơi nắng đến thật khô rồi cho vào chum sành, sọt, đậy kín. Tốt nhất là cất lên gác bếp vì ở bếp có khói và bồ hóng nên các vi khuẩn bị hạn chế phát triển, lá vối ít bị mốc. Không nên để lá vối ủ ở chỗ ẩm vì dễ bị xuống chất. Lá vối ủ uống thơm ngon hơn.

Caythuocquy.info.vn

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""