Dừa là một cây ăn quả quý của nước ta, từ Thanh Hoá trở vào rất sẵn, nhất là ở các tỉnh miền Nam, có nơi dừa mọc thành rừng. Dừa được nhân dân ta trồng chủ yếu để ăn cùi, ép lấy dầu và làm nước giải khát.
Cùi dừa được nhân dân dùng ăn tươi, kho với thịt làm món ăn, làm mứt dừa và nhiều món ăn có dừa khác. Đây là một thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là rất giàu lipit. Qua phân tích thành phần hóa học, người ta thấy trong 100g cùi dừa già có 47,6g nước, 4,8g protit, 3,6g lipit, 6,2g gluxit, 4,2g xenluloza, cung cấp cho cơ thể được 380 Calo. Ngoài ra trong cùi dừa còn có nhiều muối khoáng và Vitamin (30mg canxi, 154mg photpho, 2mg sắt, 0,1mg Vitamin B1, 0,2mg Vitamin PP, 2mg Vitamin C... trong 100g).
Cùi dừa có trong những quả còn non vẫn dùng để lấy nước uống và nếu nạo cả cùi vào cốc nước giải khát thì cũng có đủ các chất dinh dưỡng kể trên, nhưng với hàm lượng ít hơn. Trong 100g cùi dừa non có 87,8g nước, 3,5g protit, 1,7g lipit, 2,6g gluxit, 3,5g xenluloza và các muối khoáng canxi, photpho...
Nước dừa là một thứ nước giải khát quý được nhân dân ta dùng rất phổ biến trong dịp hè. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả, thành phần nước dừa gồm đầy đủ các chất dinh dưỡng : protit (0,10 - 0,17g trong một lit), lipit (0,10 - 0,30g), gluxit (7,5 - 48g), các vitamin B1, C và nhiều loại muối khoáng (natri, kali, clo, magie, canxi, PO4, SO4...), nghĩa là gần đủ các chất có trong huyết tương của máu người với một tỷ lệ không khác nhau mấy. Riêng tỷ lệ gluxit có trong nước dừa thì thay đổi nhiều tuỳ thuộc vào độ tuổi của quả dừa: lúc còn non, tỷ lệ đường này từ 7,5 đến 15g trong một lít. Trong nước dừa bánh tẻ 5-6 tháng, tỷ lệ này rất cao, có tới 45-50g glucoza và fructoza trong một lít, nghĩa là gần giống một dung dịch đẳng trương; đây là lúc nước dừa có tỷ lệ đường cao nhất, do đó ngon ngọt nhất. Sau đó tỷ lệ gluxit lại giảm xuống khi quả dừa già, chỉ còn 15-20g trong một lít.
Hàm lượng kali và magie trong nước dừa rất phong phú, hợp thành của nó tương tự như dịch trong tế bào, có thể sử dụng làm nước uống bổ dưỡng rất ngon miệng, chữa được chứng mất nước và làm cân bằng chất điện giải (electrolysis). Cùi dừa non có chất béo và protein mà các loại quả khác khó có thể sánh bằng, đồng thời có tác dụng diệt sán rất tốt. Các sách y dược, Hải dược bản thảo có ghi: Dừa “chủ yếu là tiêu khát, chữa thổ huyết, phù thũng, trừ phong nhiệt”. Còn sách Trung Quốc Dược thực đồ giám ghi : Dừa “tư bổ, thanh thử, giải khát” và có tác dụng tiêu cam (bệnh trẻ con bụng ỏng da vàng), tẩy giun sán kết hợp với mật để chữa bệnh gầy yếu xanh xao ở trẻ nhỏ”. Theo nghiên cứu, dừa vị ngọt, tính bình, sinh tân, lợi niệu, sát trùng. Dừa có thể dùng trong việc chữa trị các chứng bệnh viêm nhiệt, háo khát, tân dịch bị tổn thương, miệng nôn trôn tháo, phù nề, tiểu tiện ít, bệnh về ký sinh trùng đường ruột, bị lở loét, viêm da. Ăn cùi dừa, uống nước dừa có thể làm cho mặt mày rạng rỡ, da dẻ mịn màng, người đẹp thêm ra. Có thể nói, quả dừa từ ruột bên trong đến vỏ bên ngoài của nó đều là những vị thuốc Trung y quí giá. Tuy nhiên, đối với những người đang bị bệnh đi ngoài, phân nhão, không nên ăn cùi dừa.
8 bài thuốc quý từ quả dừa
1. Dừa 1 quả, bổ lấy nước uống, mỗi ngày 3 lần. Thích dụng với người bị chứng viêm nhiệt, háo khát, tổn thương tân dịch, mồ hôi ra nhiều, bị phù thũng, nước tiểu ít và đỏ.
2. Nước dừa một cốc, cho thêm 15g đường trắng, mấy hạt muối ăn, khuấy đều rồi uống. Có tác dụng ích khí sinh tân. Thích hợp với những người sau khi xuất huyết nhiều hoặc miệng nôn trôn tháo, người suy yếu, ẻo lả, mệt mỏi rã rời.
3. Dừa một quả: uống nước, ăn cùi. Mỗi ngày ăn, uống vào lúc sáng sớm bụng còn đói, sau 3 giờ lại ăn tiếp. Như vậy sẽ có tác dụng sát trùng đường ruột. Thích dụng với những người bị bệnh sán lát gừng, sán dây.
4. Cùi dừa nửa đến 1 quả, hàng ngày ăn vào sáng và tối, có tác dụng nhuận tràng. Thích dụng với những người bị bệnh táo bón, bí đại tiện.
5. Cùi dừa nửa quả, nạo thành miếng nhỏ một, cho vào nấu cháo với ít gạo nếp, ngày ăn 2 lần. Có tác dụng kiện tỳ khai vị. Thích dụng với những người bị ốm lâu ngày mới khỏi, cơ thể còn suy nhược, ăn uống kém.
6. Dầu dừa dùng bôi ngoài da, có thể chữa trị được các loại bệnh ghẻ lở, bệnh nấm, bệnh nẻ...
7. Vỏ quả dừa 30g, sắc lấy nước uống, ngày 2 lần. Có tác dụng hoạt huyết hết đau. Thích dụng với những người bị trúng phong, bị đau tim, đau khớp.
8. Vỏ quả dừa đem đập dập vỏ, sắc lấy nước dùng để rửa ngoài vết thương, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp sát trùng. Thích dụng với người mẩn ngứa, bị nấm ngoài da.
Ngoài giá trị ăn uống, nước dừa còn được nhân dân ta và nhiều nước vùng Đông Nam á dùng điều trị những rối loạn tiêu hoá và thay thế dịch glucoza trong điều trị những bệnh nhân cần được bổ sung nước và điện giải.
Nước dừa dùng thay huyết thanh
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ở chiến trường làm gì có dự trữ máu và phong trào hiến máu như hiện nay. Vậy lấy đâu ra huyết thanh để cứu sống những thương binh bị mất máu quá nhiều ?
Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi, Nhà xuất bản Y học 1999 trang 919) có ghi: ”nước dừa non có tính chất thông tiểu, có thể dùng thay huyết thanh khi cần thiết.”
Sách Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi, Nhà xuất bản Y học năm 1997 trang 426) cũng nêu: “Nước dừa vô trùng dùng làm dịch truyền tĩnh mạch, trị ỉa chảy.”
Dừa nước ta, đâu cũng có sẵn. Nước dừa đựng trong sọ dừa đóng kín, bảo đảm vô trùng tuyệt đối. Nước dừa là một dung dịch đẳng trương gồm chủ yếu là glucoza, fructoza, rất ít saccaroza : 1-2% oza và polyol (sorbitol). Ngoài ra còn có các axit hữu cơ (axit malic) và rất nhiều axit amin, các axit béo, vitamin C. Hàm lượng các chất này rất ít vì tỷ lệ nước trong nước dừa (lên tới 92-93% và được ghi thêm tiếng Pháp là: Lait de coco, để nhắc chúng ta nước dừa quý như sữa mẹ, Đỗ Tất Lợi). Người ta đã phát hiện thấy trong nước dừa có nhiều chất có tác dụng kích thích sự phát triển các tế bào dùng trong nuôi cấy các tổ chức cây thượng đẳng. Một trong những chất ấy đã được xác định là diphenyl 1-3 urê.
Vì vậy, trong kháng chiến, theo đúng phương châm hậu cần tại chỗ, ta đã có một kho dự trữ vô tận nước dừa có thể thay thế huyết thanh được đảm bảo vô trùng tuyệt đối, dễ tiêm truyền tĩnh mạch cho các thương binh, cứu sống họ, khi không có máu dự trữ.
Bs Liên Hương - Tú Anh
Cathuocquy.info.vn