Người ta thường dễ nhận biết giá trị dinh dưỡng của thực phẩm đối với cơ thể, song ít ai để ý rằng để thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng ấy, thực phẩm cần phải được tiêu hóa bởi cả một hệ thống phức hợp bao gồm miệng, răng lưỡi, thực quản, dạ dày, ruột, gan, mật... và một loạt động tác như nhai nuốt, co bóp, thanh lọc và hấp thu... Quá trình tiêu hóa ấy tốt hay không, không chỉ phụ thuộc thức ăn mà còn tùy thuộc rất nhiều vào cách ăn.
Người xưa từng lưu ý “bệnh tòng khẩu nhập”. Việc lựa chọn thức ăn sao cho phù hợp với từng người hoặc nhóm người, giới tính, lứa tuổi, tính chất nghề nghiệp,... là rất quan trọng để giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Bên cạnh đó ăn thế nào cho đúng cách là điều kiện chủ yếu để thực phẩm được chuyển hóa và hấp thu cao nhất. Làm được điều này không những tăng cường được sức khỏe mà còn chống lãng phí, một mục tiêu rất có ý nghĩa đang đặt ra cho vấn đề an ninh lương thực trên thế giới hiện nay. Người viết bài này đã nhiều lần chứng kiến cảnh các bà mẹ trẻ “toát mồ hôi, sôi nước mắt” ép con nhỏ ăn cơm trong khi đứa bé vì lý do gì đó nhất quyết không chịu ăn. Người mẹ rất mực thương con nhưng thiếu hiểu biết kia đâu có hay rằng có thể con mình có những bất ổn thầm kín trong cơ thể, và tuân thủ theo linh năng, không chịu dung nạp thức ăn trong lúc đó. Khi được khuyên là không nên cho con tiếp tục ăn, bà mẹ sẽ viện dẫn lý do sợ con mình bị đói, đâu biết rằng bản năng sinh tồn sẽ không bao giờ dể đứa trẻ bị đói, ngoại trừ hoàn cảnh không có thức ăn dài ngày. Cách ép ăn kia rõ ràng là không hợp lý, thậm chí có hại. Chúng ta biết rằng thức ăn chỉ tiêu hóa tốt trong trạng thái tâm sinh lý hoàn toàn thoải mái. Chẳng phải ông bà đã nói “Trời đánh, tránh bữa ăn” đó sao!
Trong nhiều năm hành nghề y, tôi thấy có nhiều người tuy ăn uống rất sang trọng, tốn kém mà vẫn suy dinh dưỡng gầy ốm. Ngược lại một số người ăn uống đơn giản nhưng sức khỏe rất tốt. Tìm hiểu kỹ, mới biết hai hệ quả này đều do việc chọn lựa thực phẩm và phương pháp ăn uống hợp lý hay không.
Đây là cả một câu chuyện dài, trong phạm vi bài viết này, chỉ xin nêu một vài phương cách ăn uống hợp lý đã dược các nhà y học tổng kết và không quá khó thực hiện.
1.Nhai kỹ no lâu.
Một kinh nghiệm lâu đời, khẳng định “ăn kỹ” hay “nhai kỹ” là rất quan trọng, nhưng không ít người chưa chú ý. Việc nghiền nát thật nhuyễn thực phẩm này gánh vác hầu hết nhọc nhằn cho bao tử và ruột. Men amylaza trong nước bọt biến tinh bột thành đường và được hấp thu ngay khi vào ruột non. Trong phương pháp thực dưỡng của giáo sư Oshawa người Nhật, nhai kĩ được xem như một yếu tố hàng đầu để chữa bệnh. Theo phương pháp này một miếng cơm phải được nhai thành hồ loãng mới nuốt. Thánh Gandhi, một người có sức khỏe rất tốt nhờ nhai kĩ đã có câu nói được truyền tụng: “Hãy uống các thức ăn và ăn các thức uống”. Nhai kĩ làm tiết xuất nhiều nước bọt, được các y sư gọi là “cam lồ” có tác dụng thấm nhuần tạng phủ, nuôi dưỡng da thịt tươi mát, hồng hào, tránh tình trạng ô nhiễm nội môi do thức ăn đọng lâu trong đường tiêu hóa lên men thối, tránh nguy cơ loét dạ dày do axít phải tiết ra nhiều để tiêu hóa thịt ứ đọng. Bên cạnh đó, kích thích tố Parotin tiết ra từ mang tai nhờ nhai kĩ có đủ thời gian ngấm qua hệ bạch huyết vào máu, kích thích chuyển hóa tế bào làm trẻ lại cơ thể, đồng thời tăng hệ miễn dịch. Nếu nhai rối, Parotin sẽ theo thức ăn xuống dạ dày và bị dịch vị hủy hoại. Ngoài ra động tác nhai còn được xem như là bài tập thể dục cho răng, hàm, mặt, tạo điều kiện khí huyết tuần hoàn não, kích thích thần kinh giao cảm, các tuyến nội tiết, sự co giãn các mạch máu tăng cường tư duy cũng như hoạt động tiêu hóa và giảm nhịp độ căng thẳng tâm trí. Cuối cùng, nhờ nhai kĩ, chúng ta hấp thu tối đa các chất bổ dưỡng có trong thực phẩm, mà không cần ăn quá nhiều. Thập niên 1990, một nhà y học người Pháp tên là Fletcher đã viết một công trình tổng kết việc trị bệnh do nhai kĩ mà ông đã nhiều năm thực nghiệm. Từ đó, trong y học xuất hiện một thuật ngữ “Fletcher hóa” thức ăn.
2. Tránh tình trạng “tay làm hàm nhai”
Nhiều người có thói quen không tốt là vừa ăn vừa làm việc hoặc đọc sách báo hay xem tivi, đâu có biết rằng thói quen đó gây trở ngại rất nhiều trong việc hấp thu thức ăn vì hệ thống thần kinh bị phân làm hai không tập trung vào một việc duy nhất. Tình trạng “bắt cá hai tay” này là một nguyên nhân làm thức ăn không được hấp thu trọn vẹn, gây thừa đọng trong ống tiêu hóa, sinh ra các triệu chứng mệt mỏi, đầy hơi, nổi u nhọt, khát nước... Ngoài ra không nên vừa ăn vừa nói chuyện nhiều quá.
3. Không ăn khi có tâm trạng tiêu cực.
Khi chúng ta nóng giận, buồn rầu, lo sợ, v.v... thì cơ thể xảy ra hàng loạt các phản ứng ở các hệ nội tiết, tuần hoàn... từ đó ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ăn vào thời điểm này rất bất lợi do quá trình tiêu hóa và hấp thu không sẵn sàng. Có lẽ nhờ linh năng ngầm mách bảo, trong thực tế cũng ít có ai buồn nuốt cơm khi thân tâm họ đang lâm vào các trạng thái căng thẳng nêu trên. Thậm chí các nhà dưỡng sinh còn khuyên chúng ta không nên ăn khi chưa thấy đói (dù đến bữa), vì đói là biểu hiện rõ ràng là cơ thể đã sẵn sàng để ăn.
Một điều thú vị là những phương pháp ăn uống nêu trên đã từng được Đức Phật cùng các môn đồ đã nâng lên thành một nghệ thuật từ xưa. Đó chính là “thiền ăn”, “thiền trà” mà nội dung chính chỉ là ý thức rất rõ từng động tác nhai nuốt... và hoàn toàn không phân tâm vào bất cứ một việc gì khác. Cần nói thêm rằng, trước khi ăn, các tu sĩ còn khởi niệm 5 điều quán tưởng như lòng biết ơn thực phẩm và những người đã công phu lao tác, nguyện sống lương thiện và xứng dáng với thực phẩm họ nhận và cuối cùng là cầu nguyện cho mọi người đều no đủ. Đó quả là một cách ăn khoa học và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Phan Hồng Long (CTQ số 115)