Có những món ăn không phải là ăn để chơi, ăn cho ngon miệng, ăn cho đỡ đói, hay ăn cho no bụng mà ăn để chữa, trị bệnh. Người ta gọi những món ăn đó là thực dược. Trong số những thực dược độc đáo và công hiệu đó, có món "không bệnh thì ăn vào khoẻ thêm, có bệnh thì ăn vào hết bệnh" và nếu bạn mắc bệnh hay sợ bị bệnh, hãy yên chí vì đã có... Thịt dê!
MỘT VÀI THỰC DƯỢC CHẾ BIẾN TỪ THỊT DÊ
@ Cháo Xương dê: Xương dê 1kg, Gạo tẻ 100g. Xương dê rửa sạch, chặt khúc, đập dập sau đó đổ nước vào hầm rồi dùng nước đó nấu cháo. Cho muối, Hành vừa ăn. Ăn vào buổi sáng và tối.
Công dụng: Khoẻ tỳ vị và bổ máu.
@ Canh Thịt dê nấu thuốc bắc: Hoài sơn 50g, Nhục thung dung 20g, Dây tơ hồng 10g, Nhân hồ đào 2 trái, Thịt dê 500g, Tuỷ dê 1 cái, Gạo tẻ 100g, Hành, Gừng, muối vừa đủ.
Tuỷ dê rửa sạch. Thịt dê rửa sạch máu rồi sắt nhỏ để sẵn. Cho Hoài sơn, Nhục thung dung, Dây tơ hồng, Hồ đào vào trong một cái túi vải, Gừng và Hành giã nát rồi cho tất cả vào nồi nấu cháo, đun to lửa hớt bỏ bọt. Cho gia vị vào, để nhỏ lửa đun cho đến khi cháo chín thì ăn cả cháo và thịt.
Công dụng: Ôn thận bổ dương.
@ Cẩu kỷ chưng Óc dê: Cẩu kỷ 50g, Óc dê một cái.
Óc dê rửa sạch gân máu cho vào nồi cùng Cẩu kỷ. Đổ nước vừa đủ rồi cho thêm một ít muối, rượu, hành, gừng, chưng cách thuỷ; ăn trong bữa cơm.
Công dụng: Ích não an thần.
@ Canh Thận dê: Nhục thung dung 50g, Mỡ dê 20g, Củ mã thầy, Thảo quả - Hồ tiêu mỗi thứ 10g, một cặp Thận dê (loại Dê trắng), Trần bì 5g. Cho Nhục thung dung, Trần bì, Mã thầy, Thảo quả và Hồ tiêu vào một túi vải cột chặt miệng bỏ vào nồi, sau đó cho Thận và Mỡ dê vào, đun lửa to cho sôi, rồi nhỏ lửa cho đến khi Thận dê sắp chín nhừ mới cho Hành, muối, gia vị vào, ăn với cơm,
Công dụng: Bổ thận ích tinh.
@ Thịt dê xào Đương quy: Thịt dê 500g, Đương quy – Sinh địa mỗi thứ 15g, Gừng khô 10g, rượu và Đường vàng vừa đủ.
Thịt dê rửa sạch, sắt miếng rồi xào chung với Đương quy, Sinh địa, gừng khô, muối ăn, đường, rượu, nước. Đun nhỏ lửa đến khi thức ăn chín hẳn. Chỉ ăn Thịt dê, không ăn các thứ khác.
Công dụng: Bổ huyết, cầm máu.
@ Canh Đương quy, Gừng, Thịt dê: Đương quy, Gừng mỗi thứ 50g, Thịt dê 1000g.
Cho Đương quy, Gừng vào túi vải sạch buộc chặt, Thịt dê rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Cho tất cả vào nồi hầm kỹ; để dễ ăn, cho thêm bột Quế và các gia vị khác. Dùng trong bữa ăn chính, uống nước canh và ăn thịt dê.
Công dụng: Tăng cường khí huyết, dưỡng thai.
Đơn giản hơn, Thịt dê hầm với Củ mài cũng rất tốt, vừa là món ăn, vừa là thuốc bổ dưỡng có tác dụng bổ tỳ, ích vị, những người yếu mệt cơ thể suy nhược dùng rất tốt.
TRONG DÊ CÓ THUỐC:
Đại danh y Tuệ Tĩnh xếp Sơn dương vào hàng thuốc bổ quý hiếm với lời ghi chú: "Dê rừng vị ngọt, tính nhiệt, rất bổ dưỡng, có thể dùng để trị bệnh lao, lam chướng, bệnh kiết lỵ, bạch đới và làm mạnh gân cốt...". Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông thì xếp "Dương nhục" (Thịt dê) vào loại thịt làm thuốc có tính nhiệt, chữa chứng gầy yếu, đau lưng, "Dương sự kém" (tức yếu sinh lý). Trong cuốn "Y học tùng thư" số 5, trang 392 có viết: "Dương nhục” vị cam, khí nhiệt, không độc, chủ trị các chứng: ra nhiều mồ hôi, khí huyết hư tổn, làm mạnh dương đạo, làm ấm trung tiêu, làm an tâm thần...; “Dương huyết” (Tiết dê) vị hàn, khí bình, trị chứng huyết hư của phụ nữ; "Dương thận" (Thận dê) trị các chứng hư tổn, tai điếc, thường ra mồ hôi, tiêu chảy...; "Ngọc dương" (Tinh hoàn dê) trị thận yếu tinh hoàn, ngày dùng 30g nấu hoặc ngâm rượu uống; "Dạ dày dê" chữa gầy yếu, ăn vào bị nôn mửa, khó tiêu. Mỗi ngày ăn từ 20 – 30g Bao tử dê bằng cách hầm nhừ hoặc nấu cháo; "Cao dê toàn tính" chữa bệnh thiếu máu, hay đau bụng, gầy còm, đau lưng nhức mỏi; toàn thân Dê mổ bỏ ruột, cạo lông nấu với 10 phần nước, nấu nhiều lần, sau đó lọc nước trong và cô đặc lại thành cao, mỗi ngày uống từ 5 – 10g. Dê quả là một vị thuốc quý, được giới Y học cổ truyền phương Đông từ xưa tới nay công nhận.
BÀI THUỐC TỪ XƯƠNG DÊ VÀ SỪNG DÊ
Chữa gân cốt co đau: Xương ống chân dê đập nát nhỏ, ngâm rượu uống hàng ngày.
Chữa đại tiện ra máu tươi: Chỉ xác đốt tồn tính 20g; Xương ống chân dê đốt thành tro 12g. Cả hai vị tán bột. Vào mờ sáng (khoảng 5 giờ) khi bụng đói, uống với nước cơm, độ nửa giờ sau lại uống một lần nữa.
Đi tiểu đục trắng (bạch trọc) vì hư lao: Xương dê tán bột, mỗi lần 4g, uống với rượu nhẹ vào lúc đói.
Chữa chứng sắc mặt đen, da thô xấu: Xương ống chân dê tán nhỏ, hoà với lòng trắng Trứng gà, đêm thì bôi lên mặt, sáng dậy rửa mặt bằng nước vo gạo; làm liên tục trong 3 ngày.
Chữa người có tuổi, dạ dầy yếu, ăn uống không ngon: Xương sống dê một bộ, đập vỡ nát nấu cho nhừ, bỏ xương, cho hạt Kê vào nấu cháo ăn
Chữa sốt nóng do lam sơn chướng khí (sốt rét), nóng dữ không ngớt: Sừng một con Dê rừng (Linh dương giác) tán nhỏ hay mài vào nước, uống mỗi lần 4g (1 đồng cân).
Chữa lao nhiệt nóng hầm (cốt chưng), mồ hôi trộm: Chứng này nếu sốt liên miên thì khó chữa nhưng nếu khi sốt khi mát thì dễ chữa. Sừng Dê rừng (Linh dương giác) tán nhỏ, uống mỗi lần 8g (2 đồng cân) với nước ấm vào lúc đói.
Sau khi đẻ, người phiền muộn, đổ mồ hôi, bất tỉnh nhân sự: Toàn bộ xương Dê rừng, đốt tán nhỏ, uống 4g (1 đồng cân) với nước đun sôi để nguội; uống 1 lần chưa khỏi thì uống lần nữa.
Chữa đau bụng dưới nóng và đầy: Sừng dê rừng tán bột, uống mỗi lần 4g.
Sau khi sốt, thai ra huyết quá nhiều. Bụng đau, mặt xanh nhợt: Sừng Dê rừng (Linh dương giác) đốt, tán nhỏ, uống mỗi lần12g (3 đồng cân) với nước Đậu đen.
SỮA DÊ TỐT HƠN SỮA BÒ?
Ấn Độ là nước nuôi Dê nhiều nhất thế giới bởi một điều rất đơn giản: họ thích uống Sữa dê hơn Sữa bò. Đối với các quốc gia thuộc khu vực Hồi giáo vùng Cận Đông và Đông Bắc châu Phi thì Thịt và Sữa dê là món ăn truyền thống của họ từ hàng nghìn năm nay. Đạo Bà la môn ở Ấn Độ thì thờ Bò cái, đa số người Ấn Độ thì cho rằng không có con vật nào thiêng liêng bằng Bò cái nên giáo dân không bao giờ ăn Thịt bò, uống Sữa bò. Dân tộc này kiêng Thịt heo, Thịt bò và Sữa bò nhưng lại được phép dùng Thịt dê và Sữa dê. Nếu có dịp sang Ai Cập, đi về những tỉnh lẻ, bạn sẽ thấy phụ nữ dắt từng đàn Dê đi rao bán và vắt Sữa dê ngay trên đường phố. Nhiều nước trên thế giới nhất là các quốc gia có kinh tế phát triển, người dân thường chuộng Sữa dê hơn Sữa bò. Sữa dê chứa một lượng đáng kể protit rất cần cho cơ thể con người. Ngoài ra trong Sữa dê còn có các Vitamin B1, B2, A, D... cùng với các chất khoáng ở dạng dễ đồng hoá với một tỷ lệ lý tưởng. Chất béo và protit trong Sữa dê cũng dễ tiêu hoá hơn Sữa bò nên rất tốt cho trẻ em và người có bệnh tiêu hoá kém. Nhiều người cho rằng Sữa dê có tác dụng với người bị bệnh dạ dầy, điều đáng chú ý là Sữa dê hầu như miễn dịch đối với bệnh lao và có khả năng giữ được lâu hơn Sữa bò. Sữa dê đã khử trùng có thể để 18 tuần ở nhiệt độ 21oC trong khi Sữa bò đã bị lên men. Ngoài sữa tươi, người ta còn chế biến Sữa dê thành phomát, bơ, yaourt. Phomát từ Sữa dê mềm, xốp, béo và có hương vị, chất lượng cao. Bơ làm từ Sữa dê có mùi vị thơm ngon, đặc biệt có mầu trắng nên thường được nhuộm mầu theo thị hiếu của người tiêu dùng. Yaourt từ Sữa dê có mùi thơm đặc biệt. Loài Dê, quả thật là một loài động vật độc đáo vô cùng.
Caythuocquy.info.vn